Số hóa trong kết nối cung - cầu lao động
Hơn 3,2 nghìn lượt người theo dõi và hơn 3,1 nghìn lượt thích trên nền tảng mạng xã hội Facebook, gần 140 nghìn lượt truy cập website chính thức để tìm kiếm thông tin, việc làm từ hơn 1.000 đơn vị tuyển dụng... là những con số mà các kênh thông tin, tuyên truyền của Trung tâm Dịch vụ việc làm- Giáo dục nghề nghiệp Phú Thọ thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cung cấp.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng Facebook, Zalo ngày càng cao của người dân, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, tư vấn việc làm, tư vấn pháp luật lao động, xuất khẩu lao động và các chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội này.
Liên tục mỗi ngày, Trung tâm cử cán bộ phụ trách thường xuyên đăng tải, cập nhật các nội dung liên quan đến việc làm trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chủ động liên hệ lấy đầy đủ thông tin về chế độ, quyền lợi của người lao động, để kết nối người lao động với đơn vị tuyển dụng.
Song song với đó, thu nhận các thông tin của người lao động, số hoá và đăng tải lên website của Trung tâm tại địa chỉ “vieclamphutho.gov.vn” và các nền tảng mạng xã hội khác. Không chỉ đăng tải các thông tin về việc làm trong nước, trang fanpage còn có nhiều thông tin hữu ích về thị trường việc làm ngoài nước tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Để công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả, bên cạnh các sàn giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn hay ngày hội việc làm trực tiếp, Trung tâm còn tăng cường tổ chức và tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động với cán bộ phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ.
Người lao động chỉ cần một phương tiện có kết nối internet là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến. Hình thức này đã triển khai từ năm 2012, với số lượng 2 phiên/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, nhất là thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các sàn giao dịch việc làm đẩy mạnh hình thức kết nối trực tuyến nhằm mở rộng quy mô, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người lao động và doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm Trung tâm tổ chức 6-8 phiên giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng Zalo, Skype, Zoom Meeting...
Đặc biệt, với vai trò quan trọng là cầu nối cung - cầu lao động của người dân trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã triển khai quản trị số hóa lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản về tình hình lao động, việc làm, người tìm việc - việc tìm người trên phần mềm ứng dụng, quản lý, dự báo thông tin thị trường lao động do Trung tâm xây dựng, quản lý và vận hành.
Được triển khai từ năm 2019 đến nay, phần mềm này trở thành một trong những công cụ hữu ích, phục vụ có hiệu quả cho việc quản lý, điều hành, kết nối cung- cầu lao động tại Trung tâm.
Phần mềm tích hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cập nhật số lượng người lao động đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong và ngoài tỉnh. Từ cơ sở dữ liệu này, Trung tâm có cơ sở để triển khai các giải pháp cung cấp thông tin thị trường lao động cho đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.
Hiện nay, Trung tâm đã và đang thu thập dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng từ 450 - 500 doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của gần 5.000 người lao động thông qua các kênh khai thác thông tin cả trực tiếp lẫn gián tiếp của Trung tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Vượng- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm- Giáo dục nghề nghiệp Phú Thọ, số hoá thông tin thị trường lao động đã giúp các nhà tuyển dụng và người lao động chủ động nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất và nhiều nhất, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm ổn định và tiếp cận thêm nhiều vị trí việc làm mới.
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, Trung tâm đã khai thác nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh gần 50 nghìn lao động của 427 đơn vị trong nước với 735 vị trí việc làm các trình độ khác nhau, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, cung ứng thông tin thị trường lao động đến 11.368 lượt cá nhân, đơn vị, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, tư vấn cho 38.580 lượt người; giới thiệu việc làm trong nước cho 4.984 lao động, tăng 613% và việc làm ở nước ngoài cho 116 lao động, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tranh thủ các nguồn lực để tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hơn nữa hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường công tác thu thập thông tin thị trường lao động, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu, phục vụ tốt cho công tác tư vấn, kết nối, giới thiệu vị trí việc làm trong và ngoài nước.
Xây dựng cơ sở dữ liệu việc làm bền vững
Xác định việc thu thập thông tin cơ bản, chính xác các thông tin về nhân khẩu học, việc làm, quan hệ lao động của người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại địa bàn tỉnh là việc làm cấp thiết nhằm thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Công văn số 222/LĐTBXH-VL ngày 31/01/2023 của Bộ LĐ-TB&XH về thực hiện Tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về quản lý lao động gắn với dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai Đề án 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản số 3348/UBND-KGVX, ngày 30/8/2023, Kế hoạch số 68/KH-SLĐTBXH, ngày 5/9/2023, về việc triển khai tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2025.
Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành thu thập thông tin cơ bản, chính xác về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục- đào tạo, tình trạng việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế của người từ đủ 15 tuổi trở lên đang thực tế thường trú trên địa bàn.
Thông tin được thu thập từ các nguồn như: Thông tin đăng ký lao động của người lao động thông qua ứng dụng điện tử đăng ký việc làm hoặc các ứng dụng khác có liên quan; thông tin về người lao động được số hóa, chuẩn hóa từ nghiệp vụ thu thập, cập nhật thông tin về lao động; thông tin được kết nối, chia sẻ, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Việc cập nhật, điều chỉnh thông tin sẽ được thực hiện thường xuyên trong quá trình sử dụng để đảm bảo nguồn thông tin luôn “đúng - đủ - sạch - sống”.
Bà Nguyễn Hiển Ngọc- Trưởng phòng Việc làm- An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Việc thu thập thông tin sẽ được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Đây sẽ là cơ sở để giúp các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được cung - cầu, những biến động để phân tích, dự báo sát xu hướng việc làm thời gian tiếp theo. Từ đó, làm cơ sở để hoạch định chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ, các cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp, tư nhân, cũng như phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đi đôi với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động - việc làm, Sở LĐ-TB&XH và các ngành, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, cải thiện chất lượng các dịch vụ, từ đó góp phần tăng hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Theo Phương Thúy (Báo Phú Thọ)