Phát triển bền vững thương hiệu chè Phú Thọ, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm như huyện Cẩm Khê, trong đó ưu tiên phát triển làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen, sản phẩm chè đã khẳng định được uy tín trên thị trường. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao.  

W-anhlongcoc.png
Đồi chè Long Cốc

Với giá trị kinh tế mang lại, tạo sức bật cạnh tranh tốt cho sản phẩm trên toàn quốc cũng như định hướng xuất khẩu ra thế giới, Phú Thọ chú trọng về đầu tư phát triển tăng năng suất chè búp tươi vào năm 2025 đạt 125 tạ/ha, sản lượng đạt 195 nghìn tấn, tăng 5,3% (10 nghìn tấn) so với năm 2021. Tỉnh cũng đặt mục tiêu về trồng mới 600 ha chè để nâng diện tích vùng sản xuất tập trung đạt trên 6 nghìn ha trong đó khoảng gần một nửa diện tích trồng mới này được khai thác có hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất chè gắn với văn hóa chè 

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn, xã Long Cốc có tổng diện tích tự nhiên là: 2.478,72 ha, có 806 hộ/3.304 nhân khẩu với 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 93,3%. 

Địa phương xác định phải nâng cao năng suất lúa và các cây có hạt để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên muốn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thì phải nâng cao hiệu quả đất rừng sản xuất, đất trồng chè, coi chè là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo”.

Từ chủ trương trên, xã Long Cốc đã khuyến khích nhân dân ưu tiên phát triển cây chè, đầu tư trồng mới và thay thế toàn bộ các giống chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất chất lượng cao như: LDP1, LDP2, Bát tiên, Shan tuyết. Đến nay diện tích chè của toàn xã lên tới gần 700ha đồi chè, năng suất bình quân 14 tấn/1ha, sản lượng hơn 5.500 tấn/năm mang lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân. Trên địa bàn hiện có 1 cơ sở chuyên chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu đứng ra thu mua nguyên liệu tại chỗ nên giá cả khá ổn định. 

Với mục tiêu tạo lợi thế cạnh tranh cao nữa cho sản phẩm chè trên thị trường trong nước cũng như thế giối, Phú Thọ đặt mục tiêu có 100% sản phẩm chè OCOP (38 sản phẩm) đạt chứng nhận 3 sao trở lên được cấp nhãn hiệu chè Phú Thọ vào năm 2025 và đảm bảo an toàn thực phẩm cho 100% chè với vùng nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ cũng như truy suất nguồn gốc;  Phấn đấu đến năm 2025, tăng thêm tối thiểu 5 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp này sẽ đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”.

Thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP), Phú Thọ tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm như huyện Cẩm Khê. Đây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao.

Những năm gần đây việc trồng và chế biến chè đem lại thu nhập khá cho các hộ dân Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ. Các thành viên trong xã hăng hái với công việc sản xuất, tích cực học hỏi kinh nghiệm từng bước mở rộng quy mô sản xuất chế biến chè sạch, chất lượng cao để cung ứng cho thị trường. Nhờ vậy, đã giải quyết được việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong địa bàn; tạo sự thúc đẩy để phát triển một số dịch vụ sản xuất khác như cung ứng vật tư, phân bón, vận tải… Đồng thời còn góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất chè gắn với văn hóa chè – kết hợp du lịch ngành chè. 

Tập trung sản xuất chè VietGAP

Tại Cẩm Khê, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Đá Hen xã Đồng Lương đã được cấp chứng nhận OCOP đạt hạng 4 sao. Sản phẩm chè Đá Hen tiêu thụ ra thị trường mỗi tháng hơn 1 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu 200 - 300 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng… Một số sản phẩm chè như chè tôm nõn và chè hoa nhài của HTX đang nhận được sự đánh giá cao từ thị trường tiêu dùng.

Để đảm bảo sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX tập trung vào các kỹ thuật trồng và chăm sóc chè công nghệ cao, chú trọng đến từng quy trình, kỹ thuật sản xuất, từ khâu xử lý đất, ủ đất, lên luống, ươm giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm. HTX cũng thay đổi diện tích trồng các giống chè cũ thành các giống chè lai năng suất cao như LDP1, LDP2, PHll, Phúc Vân…

Nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường ngày một cao, HTX sản xuất, chế biến chè Đá đã tập trung sản xuất chè VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thay đổi cách nghĩ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX chè Đá Hen bước đầu thành công trong xây dựng thương hiệu chè địa phương, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần đưa sản phẩm chè an toàn của xã ngày càng vươn xa.  

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chè Phú Thọ nói chung và chè Đá Hen xã Cẩm Khê đang tập trung nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Theo đó để có sự cạnh tranh được với các quốc gia khác, doanh nghiệp cần đa dạng về chủng loại chè, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hàm lượng chế biến và tăng khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.  thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp.

Nhóm PV