Có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, Phú Thọ là điểm đến đã được xác định trong Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2030, nằm trong Quy hoạch Vùng Thủ đô, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Tỉnh có đầy đủ các tài nguyên du lịch về văn hóa, tâm linh, sinh thái, danh thắng, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, có giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trong những năm qua, du lịch Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo động lực, nền tảng cơ bản để đưa du lịch tỉnh nhà phát triển ở giai đoạn tới. Để tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, tỉnh đẩy mạnh áp dụng các giải pháp chuyển đổi số ngành du lịch.

Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. 

Đến nay, ngành du lịch Phú Thọ đã ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển sinh thái du lịch thông minh; các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ du khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng. Nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch... Thông qua phương pháp thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm để chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc, từ đó chuyển thành các hành động cụ thể và các giải pháp công nghệ.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch được sự ủng hộ, chung tay phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh Phú Thọ.

Xác định việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, Tỉnh Đoàn Phú Thọ đã triển khai thực hiện Công trình thanh niên cấp tỉnh “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số trong quảng bá di tích, lịch sử địa chỉ đỏ”, lắp đặt các bảng có gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh để người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin về các di tích lịch sử của tỉnh Phú Thọ.

Trong đó Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng quốc gia, 12 di tích lịch sử; 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2023, Tỉnh Đoàn Phú Thọ phối hợp với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vừa khánh thành Công trình thanh niên "Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ” tại Khu Di tích này. Công trình gắn mã QR tại các điểm Đền nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng: Cổng đền, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng và Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Công trình được xem như cuốn cẩm nang du lịch số, bao gồm nhiều thông tin, tài liệu giới thiệu về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, như tài liệu giới thiệu; hình ảnh, video quay cận cảnh đầy đủ các góc hình tương tự như du khách đang trải nghiệm tham quan thực tế, tích hợp với tính năng chỉ đường giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử. Qua một thời gian ngắn triển khai, đã có trên 50 nghìn người dân quét mã QR.

Tỉnh đoàn Phú Thọ lắp đặt 06 biển gắn mã QR tại các điểm trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Cũng trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và số hóa di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2023 – 2030.

Kế hoạch nhằm mục đích triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc tỉnh Phú Thọ. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng.

Theo đó, mục tiêu chung là xây dựng cơ chế nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Phục hồi, bảo tồn và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một. Phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh, tăng cường quảng bá, hợp tác văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh Phú Thọ về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong giai đoạn này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai tuyên truyền nội dung Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 2026/QĐTTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch triển khai Chương trình Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và số hóa di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 – 2030. Các hình thức tuyên truyền là thông qua việc tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động; tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Triển khai các nội dung Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2023 - 2030 (theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ): Đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; Xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; Xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ; Quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Thùy Chi và nhóm PV, BTV