giam ngheo trong mac ca ealy phu yen.jpg
Mô hình chuyển đổi kinh tế từ trồng mì sang trồng cây mắc ca ở xã Ea Ly đã cho thu hoạch cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Là một xã miền núi giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Đắk Lắk, xã Ea Ly có 6 thôn, buôn với 1.622 hộ, 5.985 nhân khẩu thuộc 13 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 50%. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII; Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sông Hinh lần thứ IX và Đại hội Đảng bộ xã Ea Ly lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025, năm 2022, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tiêu thụ hàng nông sản.

Theo đó, xã đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trang trại, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cụ thể là ổn định vùng nguyên liệu sắn, mía; phát triển mạnh diện tích trồng cao su, mắc ca; tiếp tục xây dựng phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tại một số thôn, buôn có điều kiện thuận lợi; có chính sách sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có lợi thế như: Sầu riêng, ca cao, cam, bơ...; phát triển các mô hình trồng cây dược liệu; tập trung nâng cao chất lượng đàn bò, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 95 % tổng đàn tổng đàn; phát triển đàn heo, đàn gia cầm, khuyến khích chăn nuôi tập trung, thâm canh, quy mô lớn, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn dịch bệnh, sản xuất theo chuỗi giá trị. …

Tính đến tháng 6/2022, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã chuyển dịch theo đúng định hướng. Tổng diện tích cây lâu năm và ăn quả như cây cao su 600 ha, cà phê 7 ha, các loại cây mắc ca, cây sầu riêng và cây ăn quả khác là 262 ha. 

Các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp… được hướng dẫn khuyến khích đầu tư, phát triển chuyển dịch theo hướng tập trung gắn với tổ, hội nghề nghiệp và chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ tiêu thụ sản phẩm tại các thôn Tân Sơn, Tân Lập, Tân Bình… qua đó, từng bước hình thành định hướng, hướng dẫn một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó xây dựng một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và hướng xuất khẩu. 

Đến nay, trong xã đã hình thành các vùng chuyên canh như vùng chuyên canh cây mía ở thôn 2/4, buôn Zô…; các mô hình trang trại hộ gia đình như mô hình nuôi ốc bưu đen, nuôi dê kết hợp làm vườn tại, mô hình nuôi chim bồ câu pháp, mô hình trang trại cao su kết hợp cây ăn quả giá trị cao, mô hình cây mắc ca… đem lại giá trị kinh tế cao. Xã Ea Ly cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 869 ha trồng cây ăn quả, nhiều loại cây đem lại hiệu quả rất thiết thực như cây nhãn, sầu riêng…

Ngoài ra hiện nay trong xã đang hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn như trang trại chăn nuôi công nghệ cao Phú Yên 3; trang trại chăn nuôi heo EaLy 1; trang trại chăn nuôi kết hợp nông nghiệp hữu cơ tổ hợp xanh; trang trại Higg Farm.…

Đơn cử như mô hình trồng cây mắc ca. Với mục tiêu phát triển sản xuất gắn với giảm nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xã Ealy thay vào những rãy mì kém hiệu quả đã chuyển sang trồng hơn 60 ha mắc ca trên triền núi. 

Không trồng manh mún, nhỏ lẻ, ngay từ khâu quy hoạch, xã đã tuyên truyền, vận động bà con đầu tư trồng cây mắc ca trở thành sản phẩm OCOP để tăng giá trị nông sản sau thu hoạch. Cây mắc ca dễ trồng lại có đầu ra nên 2 năm gần đây, nhiều hộ dân tộc thiểu số trong xã đã thoát nghèo nhờ trồng cây này. 

Tỷ lệ hộ nghèo của xã vào năm 2019 là 6% thì đến nay đã giảm xuống còn hơn 4%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 40 triệu đồng/năm lên 60 triệu đồng/năm.

Hải Yến