Do đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 có ngày thứ Hai 29/4 (ngày làm việc bình thường) xen vào giữa 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần, nên mới đây Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi nghỉ ngày 29/4 và làm bù sang ngày khác, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Trước thông tin trên, bạn đọc Nguyễn Văn Cự cho rằng đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH thiếu sức thuyết phục vì những lý do sau:
Thứ nhất, trong khi đang thực hiện nghỉ 4 ngày theo Luật Lao động thì lại đi đề xuất nghỉ 5 ngày liên tục.
Thứ hai, đã nói hoán đổi thì phải sòng phẳng, nghỉ đấy và cũng làm bù đấy! Không thể để mơ hồ về ngày làm bù với cụm từ “làm bù sang ngày khác”. Ngày khác là ngày nào?
Trong phương án hoán đổi, có thể nghỉ trước làm bù sau, cũng có thể làm bù trước nghỉ sau. Điều này thể hiện sự thiếu dứt khoát, trong khi phương án làm bù trước nghỉ sau tối ưu hơn.
Thứ ba, Bộ LĐ-TB&XH lý giải việc hoán đổi trên giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; việc hoán đổi cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, đây mới chỉ nói về một vế mà chưa đề cập vế ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Bởi vì, có một thực tế không thể phủ nhận là cơ quan công quyền và các đơn vị dịch vụ công lập như y tế, bưu điện, ngân hàng… càng nghỉ dài ngày liên tục thì càng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhất là lĩnh vực khám chữa bệnh. Mấy năm trước, có dịp Tết Nguyên đán nghỉ 9 ngày đã chứng minh rõ điều đó.
Với thứ Hai, ngày 29/4/2024, đây có thể coi là “thời gian vàng” cho những ai có việc phải đến các cơ quan công quyền cũng như các đơn vị dịch vụ công lập, vì nó vừa giúp họ giải quyết những việc chưa làm được do phải chờ 2 ngày nghỉ cuối tuần trước đó, vừa là cơ hội để họ tranh thủ tiến hành những việc cần kíp trước khi nghỉ 2 ngày lễ sau đó.
Từ các vấn đề nêu trên, đề nghị phương án: Làm bù ngày thứ Hai (29/4) trước, vào ngày nghỉ hàng tuần - thứ Bảy (27/4), để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ liền 4 ngày (28, 29, 30/4 và 1/5).
Như thế là vẹn cả đôi đường, Luật Lao động cũng không bị “uốn”, mà cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không khó khi cân nhắc.