Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bị chậm nói 

Theo Ths.Bs Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm Lý BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhiều cha mẹ thường nhận ra con mình chậm nói muộn nên để lỡ mất giai đoạn vàng can thiệp ngôn ngữ cho trẻ. Ngay khi trẻ 3, 4 tháng tuổi phụ huynh cần quan sát những dấu hiệu phát triển ngôn ngữ của trẻ. Từ 2-3 tuổi trở xuống là giai đoạn vàng để hỗ trợ can thiệp hiệu quả nếu trẻ bị chậm nói. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Canada, dựa vào một số cột mốc đánh giá, phụ huynh có thể nhận biết được quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ có đang gặp trở ngại hay không như sau:

1 - 6 tháng tuổi: không phản ứng với giọng nói của cha mẹ 

6 - 9 tháng tuổi: không hay nói những từ không rõ ràng

10 - 11 tháng tuổi: không bắt chước âm thanh như nói "mama, dada"

12 tháng tuổi: không nói "mama, dada" với mục đích gọi cha mẹ; không thường bắt chước các từ có hai và ba âm tiết 

13 - 15 tháng tuổi: không nói được ít nhất 4 – 7 từ; người lạ không thể hiểu hết điều trẻ nói. 

16 - 18 tháng tuổi: không nói được ít nhất 10 từ; người lạ không thể hiểu hết 20% điều trẻ nói. 

19 - 21 tháng tuổi: không nói được ít nhất 20 từ; người lạ không thể hiểu hết 50% điều trẻ nói. 

22 - 24 tháng tuổi: không nói được ít nhất 50 từ; không biết sử dụng cụm hai từ; người lạ không thể hiểu hết 60% điều trẻ nói. 

2 - 2.5 tuổi: không nói được khoảng 400 từ, bao gồm gọi tên, nói theo cụm từ hai - ba từ; sử dụng đại từ; người lạ không thể hiểu hết 75% điều trẻ nói. 

2.5 - 3 tuổi: chưa biết sử dụng số nhiều và thì quá khứ; chưa đếm 1 đến 3 một cách chính xác; chưa dùng 3-5 từ /câu; người lạ không thể hiểu hết 90% điều trẻ nói. 

 3 - 4 tuổi: chưa dùng được 3-6 từ/ câu; chưa biết đặt câu hỏi, trò chuyện, liên kết các sự kiện, kể chuyện. 

4 -5 tuổi: chưa dùng được 6-8 từ/câu; chưa biết gọi tên chính xác bốn màu sắc; chưa đếm đúng từ 1-10.

Ths.Bs Đinh Thạc cho hay, trẻ chậm nói thường có những rối loạn hành vi như trẻ nghịch phá nhiều hơn, thích làm theo ý mình, hay ăn vạ, đập phá đồ đạc một cách vô lý. Một số trẻ không được quan tâm và can thiệp sớm có thể trở thành trẻ tăng động giảm chú ý, khó hòa nhập với cuộc sống trẻ thơ thậm chí trở thành trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.

Điều đáng nói, không ít phụ huynh chủ quan cho rằng, chỉ cần chờ đợi một thời gian, trẻ sẽ biết nói. Tuy nhiên, chậm nói để lại hệ lụy không nhỏ. 40% –60% trẻ chậm nói không được can thiệp có thể kéo dài tình trạng này và có nguy cơ cao mắc các vấn đề về xã hội, cảm xúc, khả năng học tập bị hạn chế hoặc thoái lui…khiến trẻ gặp nhiều bất lợi trong công việc và cuộc sống khi trưởng thành.

Phát hiện chậm nói muộn sẽ để lỡ giai đoạn vàng can thiệp ngôn ngữ cho trẻ

Phương pháp khắc phục tình trạng trẻ chậm nói

Ths.Bs Đinh Thạc cho biết, cha mẹ là người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với con. Vì thế, cha mẹ cần tăng tương tác với trẻ. Nhưng tương tác ở đây là tương tác tích cực để kích thích trẻ bật âm.

Thời gian giao tiếp tích cực là không phụ thuộc bao lâu bạn giao tiếp với bé mà là bao nhiêu thời gian bạn làm trẻ vui, ngạc nhiên, phản ứng, tham gia và hiểu những gì bạn đang giao tiếp. Giao tiếp tích cực là thời gian bạn làm trẻ vui, ngạc nhiên, phản ứng, tham gia và hiểu những gì bạn đang giao tiếp. 

Ví dụ bạn dành 10 phút chỉ đọc sách cho trẻ mà không quan tâm đến sự tham gia của trẻ thì vẫn tính là 0, nhưng chỉ cần 2 phút bạn làm trẻ hứng thú nhìn và chịu lật trang sách, đó là 2 phút tích cực.

Có thể khuyến khích sự nhận thức về môi miệng và vận động của lưỡi, cũng như phối hợp các cơ quan phát âm khác cho bé qua các hoạt động như: đánh răng, thở hay nhai thức ăn hằng ngày... Các chuyên gia cũng cho rằng, dinh dưỡng cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. 

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM cho biết, chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ ngày từ những năm đầu đời đầy đủ 4 nhóm thành phần thực phẩm cơ bản như: Nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin khoáng chất… và nhóm axit béo omega có nguồn gốc thực vật (axit béo chiếm 60% thành phần chất béo trong não) rất quan trọng.

BS Diệp thông tin thêm, sau khi chào đời, não chúng ta có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh. Tuy không có sự tăng thêm về số lượng các tế bào thần kinh sau khi sinh nhưng có sự tăng trưởng về trọng lượng của các tế bào thần kinh. Cấu trúc của não bộ, các mô đệm, mô liên kết cũng tăng trưởng lên khiến trọng lượng của toàn não bộ tăng lên. Đây là lý do tại sao cần chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ ngày từ những năm đầu đời. 

Theo Bs Diệp, ưu điểm của omega thực vật là không mùi, không vị, không tanh do đó trẻ nhỏ ngay từ trẻ sơ sinh có thể uống. Đặc biệt, bác sỹ Diệp khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo, chăm sóc để trẻ có được giấc ngủ tốt. Cha mẹ vẫn bận làm việc, vẫn xem tivi, lướt web… khiến trẻ khó lòng có được một giấc ngủ sớm và tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Như vậy, phụ huynh cần phát hiện tình trạng trẻ chậm nói trước 3 tuổi để việc can thiệp có hiệu quả, nên dành thời gian tương tác tích cực với trẻ, chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng khoa học để trẻ được phát triển một cách khỏe mạnh, toàn diện.

Lê An