Libya đã đóng cửa không phận với toàn bộ hoạt động vận chuyển trong một động thái ngăn cản việc LHQ áp đặt một khu vực cấm bay tại nước này.
Cơ quan kiểm soát hàng không châu Âu, Eurocontrol vừa đưa ra thông tin trên. Trong lúc này, có những báo cáo về việc các lực lượng Libya đang đánh bom thị trấn Misratah ở phía tây.
Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Libya. Nghị quyết này được thông qua sau 3 ngày bàn thảo, cho phép "sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường và những khu vực đông dân khỏi các cuộc tấn công của chính quyền Libya".
Saif Gaddafi, con trai lãnh đạo Libya Gaddafi, cũng tuyên bố, các lực lượng “chống khủng bố” sẽ được điều tới Benghazi để tước vũ khí của quân nổi dậy tại thành phố phía đông đất nước.
Trong khi đó, theo người phát ngôn
chính phủ Pháp Francois Baroin, hành động quân sự sẽ được áp dụng tại vùng cấm
bay sẽ bắt đầu “vài giờ” tới. Baroin cho hay, mục tiêu của hành động này là “bảo
vệ người Libya, cho phép họ được lựa chọn mọi con đường đi tới tự do”.
Quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng, cuộc
không kích chống lại các lực lượng của lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi có thể
diễn ra "trong vài giờ tới". Ảnh: Wsj
Saif Gaddafi khẳng định, gia đình ông “không hề sợ hãi”, đồng thời cảnh báo, cuộc không kích của các lực lượng nước ngoài sẽ giết chết dân thường. "Chúng tôi sẽ không sợ hãi, ý tôi là bạn sẽ không thể giúp mọi người nếu chính bạn đánh bom Libya, giết chết người Libya, bạn phá hủy nước chúng tôi và không ai vui vẻ vì điều này”.
15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu thông qua việc áp đặt vùng cấm bay để bảo vệ người dân Libya. Qatar tuyên bố sẽ tham gia các hoạt động quốc tế để giúp người dân Libya.
Nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng ủng hộ vùng cấm bay để ngăn chặn quân đội chính phủ Libya tấn công quân nổi dậy. Tuy nhiên, Đức từ chối liên quan tới bất kỳ hành động quân sự nào.
Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng bắn lập tức và cho biết họ phản đối sự can thiệp của nước ngoài.
Đức phản đối
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, tuyên bố, nước ông phản đối mạnh mẽ việc không kích chống lại lực lượng của lãnh đạo Libya Gaddafi cũng như bất kỳ sự can thiệp quân sự nào khác ở nước này.
Ông cảnh báo, hậu quả của sự can thiệp quân sự phương Tây vào Libya là “không thể dự báo và có thể ảnh hưởng tới cả phong trào tự do tại thế giới Ảrập. “Bạn luôn nói ‘chúng ta phải làm điều gì đó’. Nhưng can thiệp quân sự là để tham gia vào một cuộc nội chiến có thể kéo dài. Đức có quan hệ hữu nghị với các đối tác châu Âu. Nhưng chúng tôi sẽ không tham gia bất cứ hành động quân sự nào và cũng không điều quân Đức tới Libya”.
Theo Westerwelle, các chọn lựa khác có thể được sử dụng chống lại Libya như “cấm vận, áp lực chính trị và cô lập quốc tế”.
Theo giới phân tích, bình luận mà ông Westerwelle đưa ra thể hiện sự bất đồng của phương Tây trong việc đối phó với tình hình đang diễn ra nhanh chóng ở Benghazi. Anh, Pháp và Mỹ ủng hộ vùng cấm bay bảo vệ dân thường nhưng Đức thì tỏ ra hoài nghi.
"Giải pháp quân sự dường như quá đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào. Nó rủi ro và mạo hiểm”, ông Westerwell nói. "Chúng tôi lo lắng về những tác động tới phong trào tự do ở Bắc Phi và thế giới Ảrập. Chúng tôi khâm phục cách mạng hoa lài ở Tunisia, nhưng chúng tôi muốn những phong trào tự do ấy trở nên mạnh hơn, chứ không phải yếu đi”.
Thế giới Ảrập không rõ ràng
Các đại diện của NATO sẽ có cuộc gặp để quyết định việc tham dự hành động tại Libya. Tuy nhiên, sự phản đối của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là những trở ngại.
Nga cũng bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của LHQ, và quan ngại về một cuộc chiến đang mở rộng. Một số người Nga chỉ trích Mỹ “hai mặt”, vừa thúc ép lật đổ Gadhafi, vừa ủng hộ gia đình hoàng gia của Bahrain bất chấp hành động trấn áp người biểu tình. "Tại sao Quốc vương Bahrain có thể mà lãnh đạo Libya lại không?”, Yevgeny Satanovsky, giám đốc Học viện Nghiên cứu Trung Đông tại Moscow nói.
Sự tham dự của các nước Ảrập trong chiến dịch quân sự chống lại Libya cũng kkhoong rõ ràng. Quan chức Mỹ và châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước Ảrập khi tham gia bất cứ hoạt động nào như hậu cần, tài chính sau khi Liên đoàn Ảrập ủng hộ áp dụng vùng cấm bay. Qatar và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất đang xem xét khả năng hỗ trợ chính phủ Mỹ và Pháp tại Libya (theo các nhà ngoại giao Ảrập và châu Âu).
Một số chính phủ Ảrập khác vẫn miễn cưỡng trong vấn đề này, khiến Nhà Trắng trở nên khó xử với tình hình Trung Đông hiện nay. "Có sự thiếu hụt lòng tin nghiêm trọng hiện tại”, một quan chức ngoại giao Ảrập nói. “Tôi không thấy bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào tham gia vùng cấm bay”.
Không ảnh hưởng tới sứ mệnh tại Nhật
Quân đội Mỹ tuyên bố, việc Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya sẽ không tác động tới sứ mệnh cứu hộ mà họ đang triển khai tại Nhật Bản.
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, cho hay, Mỹ có “cả danh sách dài” các khả năng giúp Nhật đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân.
"Chúng tôi không thấy tác động tiêu cực nào từ quan điểm hành động của Hội đồng Bảo an”, ông Willard nhấn mạnh. Mỹ có đủ lực lượng triển khai ở nước ngoài để “thực hiện nhiều hoạt động đồng thời”.
Lầu Năm Góc vốn đã bị “kéo căng” lực lượng bởi các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động trợ giúp Nhật Bản. Ngoài cung cấp lương thực nước uống cho người sống sót sau thảm họa động đất, sóng thần, họ còn cung cấp cho Nhật các dữ liệu phóng xự và hình ảnh trên không về nhà máy hạt nhân Fukushima.
Willard nói rằng, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Nhật “một danh sách dài các lĩnh vực mà chúng tôi tin có thể giúp đỡ”.
-
Thái An (Tổng hợp từ Wsj, Reuters, guardian)