Với việc TTCK liên tục bán tháo trong thời gian qua, các nhà đầu tư dường như đã nhận ra rằng nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Liệu có phải mô hình phát triển kinh tế mà các nước phương Tây đã sử dụng trong hai thập kỷ qua đã hoàn toàn sụp đổ? Liệu phương Tây cần mô hình tăng trưởng mới?

Hệ quả tự nhiên?

Rất nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra lời cảnh báo rằng vấn đề lần này sẽ rất khác, nó không đơn giản chỉ là việc nền kinh tế chạm đáy rồi lại đi lên sau cuộc khủng hoảng. Bằng chứng là hiện tại nền kinh tế vẫn giậm chân tại chỗ, còn các nhà đầu tư hàng ngày vẫn phải đối mặt với những vấn đề như tỉ lệ thất nghiệp cao, thị trường bất động sản tiếp tục đi xuống, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, giá cả hàng hóa tăng vọt và những sai lầm trong chính sách của chính phủ đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu.

Có một số cách giải thích cho rằng việc nền kinh tế vẫn tiếp tục đi xuống là một kết quả tự nhiên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó. Ngoài ra, quá trình cắt giảm nợ của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới - đầu tiên là ở lĩnh vực tiêu dùng và tài chính, và hiện tại là ở lĩnh vực công - sẽ khiến nền kinh tế tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn và đẩy lùi đà tăng trưởng trong năm tới.

Tuy nhiên, nền kinh tế phương Tây đang gặp phải một vấn đề còn ở mức căn bản hơn. Rất có thể, nền kinh tế phương Tây sẽ không bao giờ có thể quay về được trạng thái cũ, cho dù có là sau một thời gian dài nữa. Liệu có phải mô hình phát triển kinh tế mà các nước phương Tây đã sử dụng trong hai thập kỷ qua đã hoàn toàn sụp đổ?

Đầu tiên, chúng ta hãy thử điểm nhanh lại các mốc lịch sử đáng nhớ của nền kinh tế Tây phương. 25 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, phương Tây về cơ bản không có đối thủ cạnh tranh. Mỹ và các nước Tây Âu đã chi phối hầu như mọi khía cạnh của nền kinh tế. Những nền kinh tế mới nổi chủ yếu xuất khẩu hàng hóa và chìm đắm trong nghèo đói, còn Liên Xô thì bị mắc kẹt trong chính mô hình kinh tế của mình.

Mọi việc bắt đầu thay đổi với sự vươn lên của các quốc gia châu Á, mà đầu tiên phải kể đến là Nhật Bản. Kế đến là sự xuất hiện của bốn con rồng châu Á, bao gồm Hàn Quốc Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. Và cuối cùng là sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Những nền kinh tế mới nổi này đang thách thức sự thống trị của phương Tây, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, dựa vào sự hỗ trợ đắc lực của những thành tựu trong công nghệ và vận tải.

Bản thân các quốc gia phương Tây cũng đã hưởng lợi rất nhiều từ những lợi thế về chi phí gia công ở nước ngoài, và tăng trưởng thì ngày càng lớn thông qua việc thúc đẩy tiêu dùng. Nước Mỹ hỗ trợ tiêu dùng bằng những khoản nợ khổng lồ, còn ở châu Âu là nhờ vào các chính sách phúc lợi. Công ăn việc làm được tạo ra và những chuỗi bán lẻ hình thành. Đây là một phương thức tăng trưởng tuyệt vời, nhưng hiện nó đang đẩy các quốc gia phương Tây rơi vào những vấn đề - đó là lượng người tiêu dùng quá lớn ở Mỹ, và tình trạng quá tải nợ công ở châu Âu.

Quay trở hình tăng trưởng cũ: lợi hay hại?

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và những nhà kinh doanh ở Mỹ và châu Âu đều đang tập trung vào một việc đơn giản là tìm cách đưa nền kinh tế quay trở lại mô hình tăng trưởng cũ. Tại Mỹ, mọi người đang chở đợi một sự hồi sinh trong chi tiêu và xây dựng nhà ở. Tại châu Âu, mọi ánh mắt lại hướng vào việc hồi phục nền tài chính của chính phủ, thay vì sắp xếp lại hệ thống kinh tế. Nhiều người cho rằng, với một số điều chỉnh cùng việc cắt giảm ngân sách, nền kinh tế sẽ quay trở lại đường ray cũ và tiếp tục phát triển.

Nhưng liệu sự thực có đúng là như vậy? Mô hình kinh tế cũ đã khiến nhiều người Mỹ lâm vào cảnh nợ nần cùng với quá ít các khoản tiết kiệm, tất cả niềm hy vọng của họ hiện giờ là một chương trình hỗ trợ của chính phủ sau khi họ nghỉ hưu. Tại châu Âu, dân số già và tăng trưởng thấp đang khiến mọi người lo lắng về khả năng duy trì hoạt động của hệ thống phúc lợi xã hội trong tương lai.

Áp lực từ toàn cầu hóa, đổi mới về công nghệ, những chính sách thuế ngu ngốc, quản lý doanh nghiệp tham lam, và riêng ở châu Âu, việc quá bảo vệ và bóp méo thị trường lao động đã khiến các quốc gia này đánh mất những khoản thu nhập tiềm năng.

Tất nhiên, chắc chắn thì cuối cùng người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ tiếp tục chi tiêu và chính phủ các nước châu Âu cũng sẽ ổn định các khoản nợ. Nhưng để quay trở lại với mô hình kinh tế cũ, chúng ta cần phải xem xét lại bộ máy quản lý nợ ở Mỹ và tài chính công ở châu Âu.

Một số thành phần cũ được dùng để kích thích tăng trưởng trước đây sẽ cần phải loại bỏ. Bởi việc xây dựng lại những phần này có lẽ không phải là một sự lựa chọn sáng suốt, nhất là khi chúng ta được chứng kiến những thiệt hại mà chúng đã gây ra. Chúng ta cần đặt câu hỏi liệu mô hình kinh tế phương Tây có bền vững? Tôi cho là không. Nhưng dường như không một ai trong số các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu đang suy nghĩ về vấn đề này.

Đầu tiên, cần có một mô hình tăng trưởng mới. Sẽ là quá đơn giản khi các nhà hoạch định chính sách cứ tập trung đổ lỗi cho toàn cầu hóa khi nói về các vấn đề của châu Âu, chẳng hạn như một lượng lớn công việc đã bị Trung Quốc lấy mất, hay tự do thông thương đã phá hủy các ngành công nghiệp của Mỹ.

Tất nhiên, sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài đã khiến nền kinh tế phương Tây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự thực là toàn cầu hóa là một tiến trình không thể tránh khỏi và nó đem lại những tiến bộ công nghệ vượt bậc như ta đã thấy trong nửa thế kỷ qua. Và cũng không có lý nào lại giữ phần lớn dân số của thế giới tiếp tục chịu cảnh đói nghèo để duy trì sự thống trị của phương Tây. Thêm vào đó, toàn cầu hóa giúp tăng thêm hiệu quả làm việc, năng suất và tiết kiệm chi phí. Đây là những lợi ích quá lớn mà chúng ta không thể bỏ qua. Bất cứ ai muốn đảo ngược quá trình toàn cầu hóa và bảo vệ nền kinh tế hãy nhìn vào Ấn Độ của năm 1991, trước khi nước này mở cửa thị trường. Việc bảo hộ thương mại, cấm thông thương của các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã khiến phần lớn người dân nước này phải đi những chiếc xe cũ nát và bị nhồi vào các khu ổ chuột. Có thể nói, chống lại toàn cầu hóa và đi ngược lại quá trình phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, các nước phương Tây không thể chống lại toàn cầu hóa, mà phải làm ngược lại. Đó là nắm lấy cơ hội trong trật tự thế giới mới. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ hay Braxin giàu mạnh hơn có nghĩa là sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khách hàng hơn để mua những sản phẳm mới cũng như hình thành thêm nhiều dịch vụ mới, với một quy mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Các doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trước. Như vậy, vấn đề không nằm ở toàn cầu hóa mà nằm ở cách phương Tây phản ứng lại với tiến trình này.

Mỹ và châu Âu hiện nay đang thể hiện sự thiếu chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới. Những quốc gia này chưa sẵn sàng để cạnh tranh. Các nước này vẫn sống nhờ và thẻ tính dụng và lương hưu, được vay từ tương lai để phát triển cho hôm nay. thay vì đầu tư để nắm bắt những tiềm năng tăng trưởng. Thêm vào đó, các quốc gia này vẫn tiếp tục cho xây dựng quá nhiều nhà cửa và nỗ lực một cách lãng phí hơn là tập trung vào đổi mới sản xuất. Không thể tiếp tục duy trì những vấn đề này.

Mô hình tăng trưởng mới sẽ như thế nào?

Đầu tiên, Phương Tây sẽ cần đổi mới lại bản thân mới mong cạnh tranh lại với các nền kinh tế mới nổi. Chúng ta cần những khoản đàu tư lớn vào giáo dục và đào tạo nghề, để nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết trong một môi trường cạnh tranh mới. Nếu công nhân trình độ thấp của phương Tây không thể cạnh tranh lại với Trung Quốc, thì chúng ta cần dựa vào nguồn nhân lực trình độ cao. Việc tăng cường giáo dục sẽ đào tạo thêm nguồn nhân lực cho những ngành công nghiệp mới, hoặc tự mình tạo ra những ngành mới.

Thứ hai, phải đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng trong tương lai, chẳng hạn như những sân bay mới hay hệ thống thông tin liên lạc mới. Sau khi tham khảo nhiều nước ở châu Á, tôi có thể đảm bảo rằng mạng điện thoại di động và vận tải của nước Mỹ đã quá lỗi thời. Việc đầu tư làm mới sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp tạo dựng thêm công ăn việc làm. Quan điểm cho rằng thêm cơ sở hạ tầng sẽ gia tăng chi tiêu công của chính phủ là một điều sai lầm.

Thứ ba, cần tập trung hơn vào những doanh nghiệp nhỏ. Tom Friedman của tờ New York Times đã đưa ra một quan điểm vô cùng đúng đắn, khi nhận định rằng thời đại mà một công ty lớn như Ford có thể lập tức xây dựng những nhà máy và tuyển dụng tới 50.000 nhân công một lúc đã chấm dứt. Tương lai sẽ là sự xuất hiện của rất nhiều những doanh nghiệp nhỏ với ít nhân công trong cùng một thời điểm hơn. Trong khi đó các nước phương Tây hiện vẫn chưa đưa ra những khuyến khích  đủ mạnh trong việc xây dựng ở quy mô nhỏ.

Thứ tư, cần cải cách lại mô hình của các doanh nghiệp: Mô hình hiện tại đang gia tăng sự chênh lệch về giàu nghèo khi khiến người giàu ngày càng giàu hơn trong khi người nghèo thì ngày càng nghèo hơn. Chúng ta cần một cách tiếp cận xã hội mới trong đó công nhận một thực tế rằng tương lai của các công ty Mỹ phụ thuộc chính lực lượng lao động nước này.

Nhưng thay vì đưa ra những cải cách như trên, tôi nhận thấy các nước phương Tây đang hành động ngược lại. Ở châu Âu, ngân sách đang được sử dụng một cách thiếu suy nghĩ cho tương lai. Còn tại Mỹ, việc cắt giảm thâm hụt càng làm tăng thêm bất bình đẳng trong thu nhập và bỏ qua những nhu cầu tương lai của nền kinh tế Mỹ. Thay vì đầu tư vào giáo dục, nước Mỹ lại cắt giảm nó, khi bản thỏa hiệp về nợ trần mới đây đã loại bỏ đi những khoản vay trợ cấp cho sinh viên nghiên cứu sau đại học. Việc miễn giảm thuế lại được ưu tiên nhiều nhất cho các công ty dầu mỏ. Các nhà hoạch định chính sách thì lại tìm cách ngăn cấm tự do thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp không còn khả năng cạnh tranh.

Bám vào những hệ thống cũ kỹ sẽ khiến cái mới không thể phát huy được. Nếu phương Tây thực sự muốn thoát khỏi những vấn đề mà mình đang phải đối mặt, các nhà lãnh đạo cần loại bỏ những khái niệm lỗi thời, dẹp bỏ đi những tư tưởng hẹp và ngừng ngay việc đòi hỏi những lợi ích đặc biệt. Đúng là nền kinh tế phương Tây đã có quãng thời gian phát triển vô cùng mạnh mẽ và hưng thình. Nhưng hiện tại, các quốc gia này cần phải tiến lên, thay vì tìm cách thụt lùi lại.

Quốc Dũng (Theo Time)