Trước đó, khi phát hiện bản cover "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng" bị đánh sập đến 2 lần, Phương Thanh đã thẳng thừng chỉ mặt đơn vị nắm bản quyền "chơi dơ".
Trả lời VietNamNet, đơn vị này cho biết: "Riêng với các trường hợp thiếu hiểu biết về luật bản quyền, thậm chí có các phát ngôn đi ngược quy định hay cổ xúy cho tình trạng vi phạm bản quyền, chúng tôi thực sự thấy đó là điều đáng buồn.
Càng đáng buồn hơn nếu đó là những ca sĩ đã có tên tuổi và hoạt động nghệ thuật lâu năm. Pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định và chế tài rất rõ ràng cho các trường hợp vi phạm bản quyền". Phát ngôn này nghi là nhắm vào Phương Thanh.
Mới đây, sau 2 ngày nghỉ dưỡng bệnh, Phương Thanh viết bài đăng rất dài để phản pháo đơn vị nắm bản quyền "Độ ta không độ nàng".
'Bất chấp kinh doanh bài hát Phật pháp là nghiệp họa'
Phương Thanh cho biết, bài "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng" được các sư thầy viết bằng ngôn ngữ Phật gia, nêu cao tinh thần Phật pháp và nhằm mục đích hoằng pháp, dùng âm nhạc kết nối đạo và đời.
Phương Thanh chỉ trích đơn vị nắm bản quyền "làm ăn cướp giật hớt tay trên". |
Trong đó, Phương Thanh là ca sĩ Phật tử được chọn giao phó lan truyền bài hát đến đại chúng. Cô thừa biết chuyện mua độc quyền bài hát nhưng vì không dám kinh doanh bài hát Phật pháp nên đã để mọi người nghe và sử dụng miễn phí, như một cách lan tỏa chánh pháp.
"Công ty này nhanh tay có tác quyền, đánh sập nhiều kênh, trong đó có luôn những bài mang tinh thần Phật pháp. Họ rất vụ lợi và cơ hội, có quyền là muốn có tiền, thao túng luôn người nghệ sĩ khi họ đang làm Phật sự.
Ông bà ta dạy: "Cái gì ăn thì ăn, cái gì cúng thì cúng". Bài hát dù là cover nhưng lời ca thuộc về Phật pháp. Nếu là người có tâm thiện lành thì nên biết cúng dường. Cái gì cũng ăn, cũng nuốt bất chấp về sau này là nghiệp họa khôn lường", Phương Thanh viết.
Đánh sập bản cover nhưng sử dụng nhạc, hình ảnh Phương Thanh để kiếm tiền?
Trong phản hồi dài, Phương Thanh tiếp tục chỉ trích đơn vị này hành vi "cướp giật". Cô tiết lộ, đơn vị nắm bản quyền bài "Độ ta không độ nàng" là công ty con của một công ty truyền thông. Và công ty mẹ hiện đang sử dụng trái phép bài hát, hình ảnh của Phương Thanh để kiếm tiền nhiều năm qua.
Đây là nguyên do Phương Thanh chỉ trích đơn vị này "làm ăn kiểu cướp giật hớt tay trên".
Phương Thanh viết: "Tôi chưa hề đôi co về tác quyền và chưa nhắc tới bài "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng". Công ty mua tác quyền đó là chuyện của công ty. Nhưng các bạn cũng đang sử dụng trái phép quá nhiều sản phẩm, hình ảnh của tôi để kinh doanh. Các bạn đã xin phép tôi chưa?".
Theo cô, nếu đơn vị này mua độc quyền một bài hát không ai biết và làm cho nó nổi tiếng lên thì mới đáng nể. Còn việc canh me một bài đang quá hot để mua độc quyền kinh doanh thì đó là "những kẻ nhanh tay biết trục lợi".
Loạt bài hát của Phương Thanh đang bị công ty khai thác trái phép. |
Phương Thanh tuyên bố: "Sau bài viết này, tôi sẽ chờ hồi đáp từ phía công ty xem thái độ và trình độ của các bạn như thế nào, con nhà ai? Xem ai đứng sau lưng các bạn, to nhỏ thế nào rồi mới xử lý tiếp.
Tôi là tôi chứ không phải Ưng Hoàng Phúc hay Khánh Phương mà các bạn đem nghệ sĩ ra làm ví dụ chung chung như trong bài.
Nên nhớ thị trường âm nhạc là của chúng tôi, thuận trao vừa đổi trên phương diện cảm xúc mến tặng cho khán giả. Những công ty kinh doanh như các bạn rất giỏi công nghệ, tinh nhanh làm kinh doanh hoặc con buôn phá đi cái cảm xúc vốn dĩ đẹp nhất mà người nghệ sĩ mang tặng cho khán giả".
Phương Thanh khẳng định, cô chỉ mới nói cái tình chứ chưa đả động gì chuyện tác quyền. Cô vẫn đợi đơn vị nắm bản quyền lên tiếng rồi sẽ nói luôn một lượt đến nơi đến chốn về pháp lý.
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về các Hành vi xâm phạm quyền tác giả: "[...] 3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả. [...] 5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. 6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này. 7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này. 8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này. […] 10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. [...]" Các hành vi xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy thuộc mức độ vi phạm. (Xem thêm quy định tại Chương XVII Luật sở hữu trí tuệ hiện hành về Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và hình sự; quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Điểu 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan…). |
Gia Bảo
"Độ ta không độ nàng" bị đề nghị cấm phổ biến vẫn đạt nhiều kỷ lục
Độ ta không độ nàng với nhiều phiên bản lời Việt khác nhau hiện đang thống lĩnh các bảng xếp hạng nhạc Việt thế nào?