Bạn có thể đến Đại Bình (thuộc xã Quế Trung) để ngắm nhìn những vườn trái cây xanh mướt, chẳng khác gì vườn nhà ở miền Tây.

Đây là vùng đất tôi nghĩ khá đặc biệt vì sự “khác thường” của nó. Nhiều người quê Nông Sơn như tôi còn không biết tại sao, cả thôn Đại Bình lại có thể trồng được toàn bộ cây ăn quả, trong khi cả huyện, gần như không có nơi nào trồng được như vậy.

Và nơi đây đã được đặt bảng hiệu là “Làng du lịch sinh thái Đại Bình”.

Đến đó, có dịch vụ “homestay” và cả nhà nghỉ, khách có thể ở lại để “thức dậy ở một nơi xa”, nghe tiếng chim chóc, tiếng người nói lao xao, giọng Quảng dễ thương và thân thiện. Đặc biệt, được thăm vườn trái cây và ăn miễn phí những loại đặc sản như bòn bon, cam, trụ, dâu đất…

{keywords}
Trái cây làng Đại Bình, khách dừng chân được ăn miễn phí - Ảnh: Lưu Đình Long

Người dân thân thiện, cứ luôn nói “ăn thoải mái đi nghe”, rồi chỉ tính tiền nước uống hoặc có nhu cầu đặt nấu những bữa ăn dân dã thì mới trả phí, nhưng cũng với “giá hữu nghị”.

Đến Nông Sơn có thể đến cây cầu Nông Sơn - cây cầu nghĩa tình do người dân cả nước đóng góp xây dựng sau sự cố tai nạn chìm đò làm 18 học sinh bị chết ở bến Cà Tang năm 2003.

Ở giữa cầu, có thể ngắm sông Thu Bồn hiền hòa, đã vào thơ-nhạc, cảm nhận từng khúc quanh của sông là những bãi bồi phù sa, hai bên bờ có cư dân sinh sống, họ thường trồng dâu, nuôi tằm, dệt nên ước mơ thay đổi đời mình bằng nông nghiệp truyền thống.

{keywords}
Cầu treo Quế Lâm, nơi ngắm nhìn sông Thu Bồn khá đẹp - Ảnh: Lưu Đình Long

Ngược hướng chảy của dòng sông Thu, nơi sản sinh ra câu hát ngọt lịm trong bài “Tiếng hát bên sông” mà có lẽ bất cứ người Quảng nào cũng thuộc.

“Con sông Thu Bồn có từ bao giờ mà nghe điệu lý câu hò ngân vang

Dòng nước trong xanh xanh cả đôi bờ

Bên lở bến bồi để nhớ để thương

Bên lở bến bồi năm tháng vẫn thủy chung…”.

Lặng ngắm con nước trôi lửng lờ, rồi bất giác ồ lên bên cây cầu treo bắc ngang sông vì quá đẹp. Nơi cây cầu này cũng là chứng nhân của nhiều đôi lứa, khi họ chọn làm chốn ghi dấu khoảnh khắc của ngày trọng đại: Chụp ảnh cưới bên cầu treo Quế Lâm.

{keywords}
Sông Thu Bồn đi vào thơ, nhạc - Ảnh: Lưu Đình Long

Cũng tại xã Quế Lâm có Hòn Kẽm Đá Dừng - địa danh từng vào bài hát ru thuở bé thơ của bao người Nông Sơn lớn lên bên nôi mẹ:

“Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi

(Chớ) thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng…”.

Hòn Kẽm Đá Dừng vẫn còn hoang sơ, người dân vùng đất núi non hiểm trở này đã biết sơ khai làm du lịch, sẵn sàng phục vụ khách miền xuôi lên thăm với dịch vụ cho thuê ca-nô, ghe máy, các món ăn dễ chế biến rồi mang theo…

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Góc xanh ở Đại Bình - Ảnh: Lưu Đình Long

Một địa chỉ không thể thiếu tại huyện xung quanh núi dựng này chính đèo Le - nước Mát. Khu du lịch nằm khiêm tốn trên đỉnh đèo Le có hồ bơi, có cả quán xá cho khách nghỉ chân và nghe suối hát, thưởng thức tiếng đàn guita của nhóm bạn nào đó tụ họp nơi này liên hoan, mừng sinh nhật.

Tết Tân Sửu về Nông Sơn, thấy huyện mới của Quảng Nam đã thay mới “áo mới”, đẹp và xanh hơn, nhờ người quê chuyển vận suy nghĩ, làm giàu từ đất đai, ý tưởng tốt, một phần nhờ những con người ở xa tới đây du lịch, góp thêm cho đất và người những mầm xanh hi vọng…

Đường đến Nông Sơn

Khách có thể xuất phát từ Đà Nẵng hoặc Hội An, đến thánh địa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên) tham quan, sau đó vượt đèo Phường Rạnh là tới.

Lưu Đình Long