Ra nước ngoài, nhiều người Việt sững sờ khi được nhường sang đường rồi lại buồn với văn hóa tham gia giao thông ở nước mình. Gửi ý kiến tới VietNamNet, bạn đọc Ngô Thị Loan cảm thán: “Người Việt mình thể hiện tính hơn thua cả khi đi lại ngoài đường, không muốn nhường ai!”

“Nói ra thêm bực. Mình dừng chờ người đi bộ qua đường thì ở sau người ta bóp còi cho điếc tai; sau đó lách qua mặt nhìn như vẻ hăm dọa. Dễ nản lắm”, bạn Tiến Nguyên bức xúc.

{keywords}
Vượt đèn đỏ - hành vi xấu khi tham gia giao thông

Bạn Đức Anh cũng chia sẻ câu chuyện của mình: “Chạy xe vượt đèn đỏ như ở Việt Nam chỉ tội người đi bộ qua đường. Đang đi qua đường, ở đâu một anh tóc xanh tóc đỏ chạy hết ga hết số lao tới. Nếu không có kỹ năng sinh tồn, chỉ có chết”.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, bạn đọc Thanh Hằng cho rằng: “Kinh tế - xã hội luôn đi kèm với nhau. Đừng vội phê phán ý thức người Việt Nam. Vật chất quyết định ý thức; cũng như ông bà ta có câu: Phú quý sinh lễ nghĩa”.

Tuy nhiên, quan điểm của Thanh Hằng gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, nhiều nước kém phát triển hơn Việt Nam nhưng ý thức của họ lại tốt hơn rất nhiều.

“Nói thật tất cả đều là do hệ ý thức, mà ý thức thì cần được nuôi, dạy, chăm chút từ bé đến lớn, từ thế hệ này qua thế hệ khác ngay từ trong gia đình.

Nó là cả một hệ nền tảng. Chúng ta lâu nay đã đánh mất tự bao giờ cái nền tảng đó rồi. Đó là thực tế chua chát mà cần nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc từ chính mỗi người”, bạn đọc Mr Tung nói.

Vì thế, nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ khi VietNamNet làm diễn đàn Buồn 1 phút trên đường.

“Ủng hộ VietNamNet làm những diễn đàn như thế này. Dù thay đổi 1 thói quen là khó nhưng nếu đọc cũng sẽ thức tỉnh một phần những thói quen cố hữu”, Huỳnh Tân nói.

Sau khi đọc bài viết “Sao ô tô, xe máy không nhường người đi bộ như ở Pháp?” đăng trên VietNamNet, ở một góc độ khác, bạn đọc Thu Hoài trăn trở: “Một nữ giảng viên ra nước ngoài còn đem được bài học về để mong thay đổi, các cán bộ ngành GTVT đi nhiều mà giao thông Việt Nam ngày càng rối là sao?”.

Bạn đọc Hoàng Hoa cho rằng: “Chỉ làm được khi chính quyền có tầm nhìn xa, khi các nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều thì đi kèm với đó là thiết kế đô thị phải thông minh. Nếu không họ buộc phải chớp thời cơ để tìm cho mình một lối đi cho dù biết có người sẽ buồn 1 phút”.

Không dung dưỡng kẻ “tiện mình, mặc thiên hạ”

Không chỉ câu chuyện nhường đường, cảnh xế hộp chềnh ềnh mặc dòng người nhích từng cm những ngày cận Tết cũng vô cùng nhức nhối.

{keywords}
Ô tô đỗ chình ình dưới lòng đường, mặc biển cấm

Bạn Minh Đức phản ánh: “Khắp nơi ở Hà Nội đều có tình trạng này, bức xúc nhất là tại những con phố nhỏ, có biển cấm dừng đỗ. Chiều tối trên phố Vũ Ngọc Phan (đoạn qua quán bia), phố Nguyễn Ngọc Vũ, đầu đường Láng (dưới gầm nhà ga trên cao, đoạn gần Ngã Tư Sở)… đường nhỏ, xe đỗ kín 1 bên đường. Thật sự là vô tổ chức, coi thường pháp luật”. 

“Rất nhiều tuyến phố, điểm rẽ ngã ba, ngã tư, trước cổng cơ quan, trường học xe ô tô vẫn để, dừng vô tư vì nó đã là "sân nhà" của họ rồi. Cứ tắc đường là đổ lỗi cho xe máy nhưng ô tô cứ chạy hàng tư hàng năm thì xe máy, xe đạp phải luồn lách thôi. Đụng va chạm là gây gổ. Chỉ có ở Việt Nam  mới vậy”, bạn Lê Đạo Tiềm nói. 

Bạn đọc tên Tùng, dù không đồng tình với cách để xe vô ý thức nhưng cũng chia sẻ một phần với các tài xế khi các thành phố lớn đang thiếu các bãi đỗ xe công cộng.

“Lý do thì có rất nhiều. Nói thẳng, tất cả đều do luật pháp không nghiêm. Con người chỉ làm đúng khi biết sợ! Muốn xã hội trật tự thì luật pháp phải nghiêm minh!”, bạn tên Hải nhìn nhận. 

Bạn đã từng gặp cảnh khó chịu khi gặp cảnh bất bình khi tham gia giao thông như tác giả? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn tới diễn đàn "Buồn 1 phút trên đường". Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải nhằm góp tiếng nói xây dựng ý thức tham gia giao thông đẹp hơn. Bài viết gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.Trân trọng!

 

Xế hộp cụp gương đỗ dưới lòng đường Hà Nội, mặc kệ ùn tắc

Xế hộp cụp gương đỗ dưới lòng đường Hà Nội, mặc kệ ùn tắc

Trên các tuyến phố Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa... nhiều ô tô cụp gương, để từ sáng đến tối muộn, mặc kệ ùn tắc giao thông.

T.Huế