XEM CLIP:

Từng sống gắn bó từ lâu bên bãi sông, ông Nguyễn Ngọc Hiển (50 tuổi, ở bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang) cho biết, đoạn sông Đà chảy qua TP Hoà Bình năm nào cũng có người đuối nước.

Hầu như vụ đuối nước nào người dân cũng đều gọi ông ra hỗ trợ, cứu giúp.

Khoảng 15h30 chiều 21/3, khi ông Hiển đang ngồi uống nước ở nhà thì nhận được điện thoại của người cháu ruột thông báo ra bãi sông Đà gấp, có nhiều người bị đuối nước.

Chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm nhưng trên đường ra bãi ông vẫn bàng hoàng khi hay tin có 8 học sinh bị nạn...

{keywords}
Ông Nguyễn Ngọc Hiển kể lại buổi chiều định mệnh 

Đến hiện trường sau 5 phút, ông thấy lực lượng cứu hộ có mặt, đang cùng công an và người dân tìm kiếm các cháu.

Lúc này, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 1 thi thể nổi gần bờ, 7 em khác vẫn đang mất tích. Người dân đứng trên bờ ôm mặt khóc.

Quan sát hiện trường, ông Hiển lao xuống sông để tìm kiếm, bơi được vài mét ra giữa dòng, ông thấy rõ nhiều thi thể nằm úp, vị trí cách xa nhau.

Ông thực hiện cú lặn đầu tiên để tiếp cận nhưng chưa đầy một phút, ông phải ngoi vội lên do áp lực nước quá mạnh.

{keywords}
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Ảnh: Báo Hòa Bình

Sau vài phút trấn tĩnh, ông lặn tiếp nhiều lần và vớt được thi thể đầu tiên lên bờ.

"Khoảng 15 phút sau khi xuống sông, tôi tìm thấy cháu đầu tiên và đưa lên thuyền của công an. Sau đó, tôi lần lượt tìm thêm được 2 cháu khác, thi thể của tất cả các cháu nằm tách biệt nhau", ông Hiển kể.

Khi tìm được thi thể em học sinh thứ 3 thì đã 16h chiều, ông phải dừng tìm kiếm để lái xe đón công nhân cho công ty. Ông đang làm lái xe nên nếu không về sẽ muộn giờ của công nhân và làm ảnh hưởng tới ca chung.

Trước khi về, ông góp ý với lực lượng cứu hộ nhờ sự giúp đỡ của dân chài quanh khu vực dùng dây câu rà dưới đáy sông sẽ nhanh tìm thấy các học sinh còn lại.

Đến 17h, thi thể của 8 em đều được tìm thấy. Đến giờ ông Hiển vẫn hối tiếc: "Nếu tôi phát hiện sớm hơn và có nhiều thời gian hơn, có thể sẽ không đau lòng như thế này".

{keywords}
Khu vực bãi sông nhóm học sinh chơi bóng rồi gặp nạn

Những xoáy nước giết người

Theo ông Hiển, lòng sông Đà rộng khoảng 200m với độ sâu trung bình chừng 3m, nước chảy khá êm đềm.

Bãi sông vào mùa này rất đẹp, được nhiều người dân ví là "bãi biển Hoà Bình" bởi có bãi cát, nước trong. Vào mùa hè hàng trăm người dân tới đây bơi lội.

Tuy nhiên do khai thác cát nhiều năm trước nên khúc sông chỗ 8 học sinh gặp nạn có một lòng chảo rộng khá rộng, tạo nên những dòng nước xoáy liên tục, rất nguy hiểm. 

{keywords}
Thi thể các nạn nhân được đưa lên. Ảnh: Báo Hòa Bình

Ông Hiển nhận định: “Bình thường nước chảy khá hiền hòa song tại lòng chảo có xoáy nước liên tục nên có thể các em đã bị bất ngờ. Nếu không đủ tỉnh táo, kể cả người bơi giỏi khi bị rơi vào lòng chảo này cũng khó thoát nạn".

Các học sinh gặp nạn nằm rải rác dưới lòng sông trong bán kính khoảng 70m. Cháu nằm ở chỗ nông nhất khoảng 3m còn chỗ sâu lên tới 5-6m.

Hôm đó, nước sông rất trong, ngồi từ trên thuyền của công an nhìn xuống đáy vẫn có thể thấy thi thể các cháu. Tuy nhiên, để vớt được các cháu lên bờ phải là người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu dòng nước và chịu được áp lực khi lặn ở độ sâu lớn.

{keywords}
Khu vực ven sông Đà rất nguy hiểm 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn (đội cứu nạn Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hoà Bình) cho biết gần 60 cán bộ cùng nhiều phương tiện chuyên dụng được huy động ra hiện trường.

Ông chia sẻ: Khu vực này rất khó chịu so với nhiều đoạn sông khác, do ở đây nước xoáy mạnh, sâu nên tổ cứu nạn phải chia thành nhiều tốp thay nhau lặn.

Mùa nước cạn sẽ nhìn rất rõ lòng chảo này nên mọi người có sự cảnh giác, tuy nhiên, khi nước lên phải lặn tầm 3m mới có thể phát hiện. Đây cũng chính là lý do nhiều người tắm sông chủ quan, khi thấy mặt nước phẳng lặng đã không quan sát được mối nguy hiểm rình rập bên dưới.

{keywords}
 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Lang cho biết, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo, cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi, còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi.

“Đây thật sự là việc quá thương tâm. Tôi mong đây sẽ trở thành bài học, cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và chính quyền để ý nhiều hơn đến các em”, bà Bình nói.

Trần Thường - Video: Báo Hòa Bình

Nam sinh chết đuối ở Hòa Bình: Bà ngoại khóc ngất nhìn cháu lần cuối

Nam sinh chết đuối ở Hòa Bình: Bà ngoại khóc ngất nhìn cháu lần cuối

Em Nguyễn Bình Minh ra đi trong sự tiếc thương của khu phố. Hoàn cảnh em quá đáng thương, không có bố, mẹ đi bước nữa, em sống với bà ngoại.