“Anh bắt tôi thề sau khi anh ra đi, tôi phải ở vậy không được tái giá. Đôi mắt của người sắp từ giã cõi đời ánh lên những tia níu nải. Tôi đã hứa” - Nguyễn Thùy Linh (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ về "trâu già - cỏ non".

Ở thế hệ chúng tôi, chưa ai biết đến những định nghĩa “chân dài”, “đại gia” hay gì gì đại loại thế. Thời chúng tôi, cùng lắm cũng chỉ có mấy bác cán bộ là oách lắm rồi.

Chồng tôi đã qua một đời vợ. Tôi lúc ấy còn trẻ măng, gặp anh, thương cảnh gà trống nuôi con mà thường qua lại. Rồi tình cảm nảy nở.

Bố mẹ tôi phản đối ghê lắm vì anh hơn tôi tới 3 con giáp. Nhưng tôi bất chấp. Tôi bảo nếu không cho tôi cưới anh, thì tôi chết. Xưa nay bố mẹ có bao giờ thắng con cái, nên tôi được cưới anh.

20 năm sống với nhau, cũng con cái đề huề, nhưng 20 năm ấy, tôi thường phải nén lòng mình để nước mắt chảy ngược vào tim.

Vợ nhỡ lời, anh mắng sa sả. Mắng xong, anh bắt tôi ngồi xuống, dạy dỗ bằng những lời lẽ cay nghiệt, mạt sát. Anh đem lí luận nọ, lí luận kia ra, nói tôi phải phấn đấu làm theo đám lí luận ấy.

Lâu dần tôi đánh mất cái tôi của mình lúc nào không biết. Nói một câu cũng phải lén lén nhìn mặt anh. Nếu các cơ mặt anh giãn ra, khoé miệng hơi mở, thì tôi thở phào.

Nếu không hài lòng, anh sẽ nổi đoá lên, có khi đập bàn, có khi hắt chén nước uống dở vào vách tường. Trán anh nhăn lại, những nếp nhăn của người có tuổi to bằng ngón tay út, chạy băng ngang trán.

Đồ đạc trong nhà, anh đem nilon, bìa cac ton ra bọc, bịt cả lại. Cái ghế đẩu, anh lấy tấm bìa đặt lên, rồi lấy dây nilon quấn chằng quấn đụp. Đấy là cách anh bảo vệ mặt ghế cho khỏi xước. Khách đến nhà chơi, chẳng ai dám ghé mông xuống cái ghế băng bó như bị tàn tật ấy cả. Anh bảo thế cho người ta nhanh về.

Tôi có cả gan dám vùng vằng dỗi hờn, khóc lóc thì anh cau mày: “Rõ là trẻ con”. Rồi anh lại lí luận.

Tôi đang tuổi sung sức, lại kết hôn lần đầu. Nhưng nhiều đêm, tôi phải giả vờ rên rỉ ngay khi anh vừa chạm vào tôi. Tôi sợ những cái nhăn nhúm, nhàu nhĩ, lướt thướt trên cơ thể tôi. Điều mà khi yêu nhau tôi không hề nghĩ đến.

Ở thế hệ chúng tôi, tối kị chuyện ăn cơm trước kẻng, nên tôi hoàn toàn yêu anh bằng lí trí, không một chút so đo xác thịt. Nhưng là đàn bà rồi, tôi mới thấy, tình yêu sẽ chẳng là gì khi không có sức khoẻ, không có những dâng hiến thể xác.

Có khi chỉ cảm cúm hắt hơi anh cũng cầm tay tôi như trăng trối: “Nếu tôi chết, em có lấy chồng nữa không?”.

Trước phút lâm chung, trước mặt con cái, họ hàng, anh bắt tôi thề sau khi anh ra đi, tôi phải ở vậy không được tái giá. Tôi đã gật đầu.

Vậy là chồng tôi qua đời khi tôi vào tuổi 40. Anh chẳng bệnh gì cả, chỉ vì tuổi già thôi. Sự cô đơn cứ tìm đến người đàn bà đang còn tràn trề sức sống như tôi thật đáng sợ.

Nhiều khi, tôi nhìn những người đàn ông đi qua thềm nhà mình, lén lút tưởng tượng ra cảnh đang được hoan tình với họ. Có lần, một người đàn ông bất giác quay lại nhìn tôi, ngay lúc ấy, tôi đạt được trạng thái lên đỉnh. Thật là nhục nhã.

Đôi lúc, tôi cũng muốn đi tới những câu lạc bộ này nọ để kết bạn, nhưng anh em họ hàng nhà anh luôn đem lời hứa ở giá của tôi ra để nhắc nhở tôi. Họ nói xa, nói gần.

Tôi đã sống với anh, đến lúc anh đầu bạc răng long về chầu tiên tổ. Tôi đã nhận ra tình yêu không lấp nổi khoảng cách của tuổi tác, tình yêu không thể lấp đầy tất cả.

Vì thế nếu bạn định làm một thứ “cỏ non”, hãy nghĩ thật kỹ xem bạn sẽ dám đánh đổi những gì. Bạn có chấp nhận mất đi rất nhiều thứ không?

Còn riêng tôi, tôi vẫn khuyên bạn, nếu không bị ai buộc vào cột ép uổng, thì đừng lấy chồng già. Hãy tìm cho mình một người bạn đời bình thường không quá chênh lệch với bạn về bất cứ cái gì; ít nhất để anh ấy có thể cùng bạn đồng hành đi suốt cuộc đời, chứ không bỏ lại bạn khi bạn vẫn còn nửa cuộc đời phía trước phải đi, như tôi.

(Theo Bee.net.vn)