- Nhiều người không ngờ pin cúc áo - loại pin phổ biến trong nhiều loại đồ chơi, điều khiển từ xa và thiết bị điện tử gia dụng - lại là một "sát thủ" khiến không ít trẻ tử vong do không may nuốt phải chúng.

Những tai nạn đau lòng


Daily Mail ngày 5/10 đưa tin, bé Francesca Asan (2 tuổi, ở Basingstoke, Hampshire, Anh) đã gặp phải một tai nạn hóc dị vật cực kỳ nguy hiểm. Vào một buổi sáng, trong lúc bố mẹ không để ý, Francesca đã lọ mọ nghịch ngợm các ngăn tủ, rồi lôi ra được một viên pin cúc áo có đường kính 2 cm. Tưởng là kẹo, Francesca bỏ tọt vào miệng nuốt. Viên pin không trôi vào dạ dày. Nó mắc ở họng khiến bé Francesca - vốn đã bị bệnh tim bẩm sinh - phải chịu đau đớn trong suốt một tuần liền, luôn thấy rất mệt mỏi, khó chịu.

Tới khi Francesca mềm oặt đi, bố mẹ em mới vội vàng đưa con tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ phát hiện ra viên pin lithium 3V đã ăn mòn thực quản vào tới tận động mạch gây chảy máu nghiêm trọng. Mặc dù các bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa nhưng thật đau xót bé đã không qua khỏi.

{keywords}

Bé Francesca Asan tử vong do nuốt phải pin cúc áo.

Trước đó, vụ việc tương tự cũng đã xảy ra với bé Brianna Florer (2 tuổi, tại Oklahoma, Mỹ) vào đầu năm nay. Khi em đang ở nhà ông bà thì đột nhiên mặt tái xanh đi rồi nôn ra máu. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng các bác sĩ cũng không thể ngăn được hiện tượng máu chảy do axit trong pin đã ăn mòn động mạch.

Năm 2015, cô bé Ellie Gatrell, 18 tháng tuổi phải phẫu thuật cấp cứu vì bị bỏng trong nghiêm trọng do nuốt phải một viên pin cúc áo và hứng chịu thương tật vĩnh viễn. Ellie là một trong 5 trẻ em ở khu vực Greater Manchester bị thương tật suốt đời do nuốt phải các viên pin lithium.

Năm 2013, Summer Steer (4 tuổi, ở Queensland, Australia) đã tử vong do nuốt phải một cục pin lithium siêu nhỏ sau 3 lần được đưa đến bệnh viện để chữa trị. Cô bé đẹp như thiên thần này đã liên tục kêu đau dạ dày, nhiệt độ cơ thể tăng cao và phân có màu đen. Cô bé đã được người nhà đưa đến bệnh viện Nossa để thăm khám. Sau đó, Summer Steer bắt đầu nôn ra máu và đột quỵ tại nhà sau khi được các bác sĩ cho xuất viện.

Mới đây, một đứa trẻ khác là bé Cooper Anderson, 13 tháng tuổi ở Australia, cũng nuốt phải pin cúc áo và theo mô tả của cha mẹ cậu, cổ họng của Cooper "giống như một chiếc bánh kẹp thịt bị nghiền nát" vì sự cố. Do Cooper còn quá nhỏ nên cha mẹ và các bác sĩ chỉ phát hiện ra điều gì đó bất thường khi họ bắt đầu ngửi thấy mùi axit. May mắn là cậu bé đã sống sót, dù bị thương tích nặng.

Tại Việt Nam, một bé trai tên T (8 tuổi, ở Hà Nội) cũng gặp phải tai nạn tương tự. Khi đang chơi đồ chơi, bé T đã táy máy cạy cục pin trong ô tô đồ chơi ra nhét vào mũi. Sau đó, bé T chảy rất nhiều nước mũi, có triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hoá, và nôn mửa. Khi được đưa đến bệnh viện, bé T đã bị hoại tử khoang mũi do bị nhiễm độc chì.

Cảnh báo nguy cơ trẻ tử vong vì pin cúc áo

{keywords}

 Pin cúc áo gây tắc cổ họng bé gái

Năm 2015, nhà chức trách Anh đã buộc phải đưa ra các cảnh báo mới về sự nguy hiểm của pin cúc áo. Loại pin trông có vẻ vô hại còn được phát hiện gây vô số thương tích nghiêm trọng khi kẹt cứng trong cổ họng của các nạn nhân và giải phóng ra một axit gây bỏng nặng.

Các bác sĩ ở Anh đã xúc tiến một chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức mới. Họ đã cho công bố các bức ảnh gây sốc cho thấy một viên pin cúc áo cháy xém qua một chiếc xúc xích như thế nào, trong một thí nghiệm nhằm tái mô phỏng những gì có thể xảy ra bên trong cổ họng của một đứa trẻ.

Các chuyên gia cho biết, những loại pin cúc áo mới, nhỏ bé hơn thậm chí còn nguy hiểm hơn do rất dễ lọt sâu vào cổ họng người. Khi viên pin bị mắc kẹt, nó sản sinh một dòng điện khi tiếp xúc với thành cổ họng, tạo sự tích tụ xút ăn da gây bỏng nặng. Ngay cả sau khi viên pin đã được loại bỏ, nó vẫn có thể tiếp tục gây bỏng và tổn thương nghiêm trọng.
 
Xử lý khi trẻ nuốt phải pin cúc áo​

Triệu chứng mà trẻ có thể gặp phải khi nuốt pin tùy theo hai trường hợp sau: 

Pin mắc kẹt ở họng: Nếu pin không thể xuống ruột mà mắc kẹt ở thực quản của trẻ thì trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như đau đớn, khó nuốt, ho, quấy khóc, nghiêm trọng hơn là bỏng thực quản, sốt, nôn ói... 

Nếu pin xuống ruột: Triệu chứng thường gặp là bé cảm thấy đau bụng, ói ra máu, phân có lẫn máu, đau tức ngực, nổi ban, mẫn ngứa do dị ứng với các thành phần trong pin như kẽm, thủy ngân, chì… Trường hợp nặng có thể khiến trẻ bị xuất huyết hay sốc do nhiễm độc.

Khi con không may nuốt phải pin, bố mẹ cần nhanh trí xử lý như sau:

- Tuyệt đối không cố gắng gây nôn hoặc làm di chuyển dị vật vì điều này có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

- Trường hợp pin không vào miệng mà bị bắn vào tai hay mũi trẻ, bố mẹ không nên cố gắng “moi” pin ra hay nhỏ thuốc nhỏ mắt, nước muối vì có thể làm dòng điện trong pin mạnh hơn.

- Ngay khi phát hiện con nuốt phải pin, cần đưa con đến bệnh viện hay trung tâm y tế gấp. Nên thông báo cho bác sĩ biết kích cỡ, chủng loại hay thời gian trẻ nuốt phải pin.

- Nên theo dõi phân của trẻ trong nhiều ngày sau đó, nếu may mắn pin có thể còn nguyên và ra ngoài sau đó trong vòng khoảng 1 tuần. 

Đề phòng nguy cơ nuốt phải pin ở trẻ

{keywords}
Loại pin nhỏ xíu này là thủ phạm gây nên nhiều cái chết thương tâm.

- Nên chọn các loại vật dụng dùng pin tiểu lớn, tránh dùng pin cúc áo, nếu có cần để xa tầm tay trẻ.

- Không để các vật dụng, đồ chơi có dùng pin gần trẻ.

- Dùng băng keo dán kỹ vị trí lắp pin để trẻ khó lấy ra được nếu trẻ cầm phải đồ chơi, vật dụng dùng pin khi không có ba mẹ ở bên.

- Nhắc nhở các trẻ lớn trong nhà cẩn thận không để đồ dùng pin chơi gần em hay cho em chơi chúng mà không quan sát, theo dõi cẩn thận.

Thu An (tổng hợp)