- Tham gia PISA, chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD, Anh là 98.023 USD.  Còn theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, con số của Việt Nam "nhỏ bé đến mức...buồn cười hoặc đau lòng".

Xem phần 1: "Ngoại soi" giáo dục

{keywords}

TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam

Mang mục đích riêng gắn vào PISA là không phù hợp

Bà Diane Ravitch, một sử gia giáo dục, một nhà phân tích chính sách giáo dục có tiếng, cựu trợ lý Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, sau khi có kết quả PISA đã có bài viết trong đó phân tích và kết luận: "Điểm số là vô nghĩa" cũng như “vị trí trong bảng xếp hạng là vô nghĩa”. Bà có ý kiến gì về nhận định này không?

-Kết quả PISA đã cho thấy một điều là học sinh sung sướng trong môi trường giáo dục Mỹ, nhưng chênh lệch bất bình đẳng, phân hóa giai tầng là có.

Nói kết quả PISA chẳng để làm gì hay vô dụng cũng là cực đoan. Cái gì cũng có mặt mạnh để khai thác. Các quốc gia trước khi công bố kết quả PISA đều hồi hộp, kết quả cao hay thấp đều có cách lý giải.

Sau khi công bố, các quốc gia đều tìm nguyên nhân điểm mạnh, yếu để cải tiến các chính sách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa. Nhiều nước đã tiến hành cải cách giáo dục, thay đổi chương trình, sách giáo khoa.

Tôi cho rằng, nếu Việt Nam đạt kết quả thấp trong kỳ thi PISA này, đương nhiên mọi người sẽ đau khổ hơn.

Còn bài viết của bà Diane Ravitch, tôi muốn hỏi lại bạn, liệu kết quả của học sinh Mỹ rất cao trong kỳ thi PISA này, liệu bà ấy có viết như vậy không?

Vẫn là bà Diane Ravitch: “Tôi thích đánh cược vào sự sáng tạo, vào tinh thần dám làm của người Mỹ, vào tính cách, sự kiên trì, tham vọng, đức tính cần cù và những ước mơ lớn của người Mỹ. Chúng ta chưa từng đo lường những phẩm chất này và cũng không thể đo được trong những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa như PISA”…

-Theo tôi, có những thứ quan trọng vẫn có thể đo được qua PISA, dù không được đánh giá bằng điểm số.

Ví dụ như ở môn toán, Việt Nam có 13% đạt mức 5, 6 – tức là vận dụng được kiến thức trong mọi tình huống, 14% đạt dưới mức 2 – tức là không nắm vững kiến thức. Số còn lại biết kiến thức toán, vận dụng được. Điều này chứng tỏ năng lực của học sinh Việt Nam tương đối đồng đều, đa số các em được trang bị kiến thức cơ bản. Ngược lại, ở nhiều nước khác có sự chênh lệch, phân hóa cực lớn, chứng tỏ có sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Với kết quả đa số học sinh ở mức trung bình của OECD, Việt Nam chứng tỏ một thế mạnh khác là giúp cho học sinh được học trong môi trường bình đẳng không phân biệt giàu nghèo, vùng sâu vùng xa… và khá đều giữa các bậc THPT, dạy nghề, giáo dục thường xuyên.

Khả năng độc lập sáng tạo của học sinh thể hiện qua việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Khát vọng hội nhập cũng đo được ở sự nỗ lực làm bài kiểm tra, đó là các em muốn chứng tỏ bản thân, danh dự quốc gia, khát vọng vươn lên phát triển giàu mạnh… nên đã cố gắng chứng tỏ mình trung thực, học tốt.

Khi đã hội nhập nếu quốc gia nào chịu đầu tư cho giáo dục sẽ có lợi vô cùng.

Còn ông Keith Baker – cựu nghiên cứu viên của Bộ Giáo dục Mỹ từng có một bài viết với tựa đề “Kiểm tra quốc tế có ý nghĩa gì không?”. Bà nhận định như thế nào trước quan điểm của ông Keith Baker cho rằng yếu tố quan trọng nhất cho thành công về kinh tế, công nghệ và văn hóa của nước Mỹ là “tinh thần” – cái mà ông định nghĩa là “tham vọng, khát vọng học hỏi, độc lập và có lẽ quan trọng nhất là ngừng đánh giá dựa trên điểm số và các bài kiểm tra”?

-Mỗi đất nước có khát vọng phát triển đất nước hùng mạnh theo mục đích chính trị riêng của quốc gia.

Có nước muốn con người có tham vọng, độc lập…, nhưng cũng có quốc gia hướng con người phát triển toàn diện, chân thiện mỹ…

Triết lý giáo dục của Việt Nam nằm trong Luật Giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục.

Mục đích của OECD là muốn đưa ra thang đo chung của quốc tế, đánh giá độc lập, khuyến nghị các nước phát triển về giáo dục. Tham gia là để soi xét theo chuẩn chung, nếu mang mục đích riêng gắn vào PISA là không phù hợp.

Nhân lực chỉ là một mặt để phát triển đất nước. Chính sách còn quan trọng hơn nhiều để phát huy tối đa sức mạnh của con người.

Giáo dục không phải là tất cả, mà là một trong những yếu tố để phát triển con người và đất nước.

Chúng ta chỉ thiếu tiền, chứ không còn e ngại

{keywords}
Ảnh minh họa

Sự quan tâm của dư luận đối với PISA chứng tỏ một điều Việt Nam thiếu những thông tin đánh giá đáng tin cậy?

-Những đánh giá trước đây về giáo dục của chúng ta đều do chúng ta tự thực hiện, nên có thể chúng ta đã nghiêm khắc với những gì mình có. Chúng ta thường kỳ vọng, khát khao một thực tế tốt đẹp hơn, nên cảm thấy phiền muộn, hay chê, không thấy tin cậy vào những kết quả đạt được.

Tôi cho rằng, với một đánh giá khách quan như PISA, chúng ta thấy được mặt mạnh nhất định để vững tin hơn mà tiếp tục làm việc.

Có phải kết quả ở bậc cao hơn như đại học, chúng ta không bằng phổ thông, nên có sự né tránh việc khảo sát?

- Do chúng ta không có đủ tiền để tham gia tất cả các cuộc đánh giá quốc tế nên cần cân nhắc xem chọn tham gia chương trình nào trước.

PISA đánh giá giáo dục phổ thông và có nhiều lợi ích như trên đã phân tích, nên trước tiên chọn PISA, sau này nhà nước có đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chúng ta nên thực hiện thêm các chương trình đánh giá học sinh như TIMSS, PIRLS; sinh viên AHELO, giáo viên TALIS như các nước phát triển đang thực hiện.

Trong công bố của OECD có đề cập chi phí cho mỗi học sinh tại Cộng hòa Slovak là hơn 53.000 USD, Mỹ 115.000 USD/học sinh, Anh là 98.023 USD… trong khi mức trung bình của OECD là 83.382 USD. Bà có thể cho biết con số đầu tư của Việt Nam là bao nhiêu?

-Nếu để ý sẽ thấy OECD chỉ công bố số liệu của các nước đầu tư lớn cho giáo dục tính trên đầu học sinh. Còn những nước kinh tế thấp, họ không công bố.

Theo tôi nghĩ, đây cũng là một sự tế nhị của OECD. Bởi nếu công bố, con số của Việt Nam sẽ quá nhỏ bé, đến mức… buồn cười hoặc đau lòng, tùy cảm nhận của từng người, trước những nước như Mỹ, Anh,...

Với riêng bà, là Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, bà kỳ vọng gì sau PISA?

- Tôi cũng hy vọng chính sách giáo dục quốc gia sẽ có sự thay đổi để mạnh hơn lên, tốt hơn lên. Chính sách tốt sẽ có giáo dục tốt. Giáo dục tốt nhân lực sẽ tốt, xã hội sẽ tốt.

Xin cảm ơn bà.

  • Hạnh Ngân thực hiện

Có các chương trình đánh giá quốc tế khác ở bậc cao hơn hoặc thấp hơn không, thưa bà?

-Hiện nay, trên thế giới có các chương trình đánh giá lớn cho nhiều lứa tuổi với các mục đích đo khác nhau. Hầu hết các nước tham gia PISA đều tham gia các chương trình này. Nếu Việt Nam có tiền dành cho giáo dục nhiều hơn, chúng ta nên tham gia, rất nhiều lợi ích. Ví dụ:

Chương trình Đánh giá Quốc tế Năng lực của Người trưởng thành - PIAAC (Programme for the International Assessment of Adult Competencies). Đây là một chương trình quốc tế đa chu kỳ đánh giá kỹ năng và năng lực dành cho người trưởng thành được khởi xướng bởi OECD.

Chương trình đánh giá quốc tế về Dạy và Học - TALIS (Teaching and Learning International Survey). Đây là chương trình đánh giá giáo viên, được khởi xướng bởi OECD.

Chương trình đánh giá Sinh viên và các trường Đại học toàn cầu - AHELO (Testing student and university performance globally). Mục đích của nghiên cứu này là để xem việc đánh giá những gì sinh viên trong giáo dục đại học biết và có thể làm sau khi tốt nghiệp, có khả thi và có thực tế hay không.

Chương trình Nghiên cứu xu hướng Toán học và Khoa học Quốc tế - TIMSS (Trends in International Mathematics and Science Study). Đây là một đánh giá quốc tế về toán học và kiến thức khoa học của học sinh lớp 4 và lớp 8 trên khắp thế giới; chu kỳ 4 năm 1 lần.

Chương trình nghiên cứu tiến bộ trong năng lực đọc hiểu của học sinh - PIRLS (Progress in International Reading Literacy Study). Vào năm 2011, PIRLS đã thay đổi chu kỳ tổ chức từ 5 năm 1 lần xuống 4 năm 1 lần.

TIMSS và PIRLS được phát triển bởi Hiệp hội Quốc tế về Đánh giá các thành tựu giáo dục (IEA)có trụ sở tại Boston, Mỹ.

Muốn tham dự chương trình nào, quốc gia cần đăng ký với OECD hoặc IEA, khi họ đồng ý, chúng ta nộp lệ phí và chịu trách nhiệm chi toàn bộ kinh phí cho các hoạt động và hội thảo tập huấn trong nước, quốc tế.

Vậy thì tại sao chúng ta lại chọn PISA?

- PISA là chương trình đánh giá học sinh tuổi 15 khi kết thúc một chương trình giáo dục bắt buộc nhà nước đầu tư, và cũng là chương trình giáo dục cung cấp cho học sinh các kiến thức nền tảng quan trọng để học sinh có thể bước vào đời hoặc học lên cao hơn. Đây là đánh giá quan trọng nhất vì đánh giá được đứa trẻ đủ điều kiện “ra đời” bước vào cuộc sống hay chưa.

Còn đánh giá ở bậc tiểu học, THCS như TIMSS và PIRLS là đánh giá trong quá trình phát triển của học sinh. Nếu chúng ta có tiền, Việt Nam nên tham gia TIMSS và PIRLS để giám sát được quá trình học tập phát triển của trẻ từ tiểu học lên THCS, và kết thúc là PISA.