Chương trình “Học bổng MBA dành cho nhà lãnh đạo tương lai”được Viện Quản trị kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT tổ chức nhằm phát hiện ứng viên có tố chất lãnh đạo để bồi dưỡng thành nhà lãnh đạo xuất sắc cho đất nước. Quỹ học bổng này có tổng trị giá 2 tỷ đồng, với hơn 100 suất, chia làm 5 mức khác nhau tùy theo năng lực cụ thể của ứng viên, trong đó mức cao nhất là gần 70 triệu đồng, tương đương với 70% học phí toàn khóa học.

Đại diện FSB cho biết, chương trình học bổng MBA 2016 bắt đầu khởi động từ ngày 1/8, thu hút được sự quan tâm của nhiều ứng viên và đã có hàng ngàn bài trắc nghiệm đánh giá năng lực lãnh đạo được thực hiện trên website: http://quiz.fsb.edu.vn/. Tổng hợp kết quả bài test và vòng sơ loại hồ sơ, BTC đã lựa chọn 70 thí sinh tiềm năng tham dự đợt 1 vòng phỏng vấn (vòng tuyển chọn cuối cùng - PV), gồm 54 thí sinh ở Hà Nội và 16 thí sinh ở TP.HCM.

Cuối tháng 8 vừa qua, FPT đã tổ chức đợt đầu tiên của vòng phỏng vấn học bổng MBA 2016 tại Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của 70 ứng viên xuất sắc nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp. Tham gia phỏng vấn là một Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia, giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị: ông Hoàng Việt Hà - COO Tập đoàn FPT; ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, ông Hà Nguyên - Viện trưởng FSB; ông Đinh Quyết Thắng - Giám đốc khu vực Diebold Việt Nam; ông Nguyễn Đức Nhật - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Quản lý của FSB; ông Bùi Xuân Phong - Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Chất lượng FSB.

Ông Hà Nguyên, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh FSB cho biết, với mục đích phát hiện những ứng viên có tố chất lãnh đạo để bồi dưỡng thành nhà lãnh đạo xuất sắc, do đó trong vòng phỏng vấn, các giám khảo đặt câu hỏi thông qua tình huống thực tế trong công tác quản trị doanh nghiệp không phải để tìm ra ứng viên có câu trả lời đúng mà để là hiểu rõ cách ứng viên phân tích, suy luận cũng như sức thuyết phục của họ về câu trả lời. “Các ứng viên rất đa dạng. Người điềm đạm, người có tiềm năng, người xử lý tình huống thông minh, người lại thể hiện rõ đam mê. Tuy nhiên, việc trao học bổng lại dựa trên những mục tiêu chung của trường, căn cứ vào cả quá trình thể hiện của ứng viên”, ông Hà Nguyên chia sẻ.

Cũng chính vì lẽ đó, trong đợt phỏng vấn đầu tiên vào 27/8 vừa qua, các thành viên hội đồng giám khảo đã đưa ra những câu hỏi tình huống thực tế trong công tác quản trị doanh nghiệp về các vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội để ứng viên thể hiện quan điểm, suy nghĩ và cách xử lý của mình. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng trong đợt phỏng vấn xét chọn học bổng MBA này, một số nhà quản lý doanh nghiệp vẫn không khỏi bối rối trước tình huống mà Ban giám khảo đặt ra cho mình.

Một trong những câu hỏi của hội đồng giám khảo được đánh giá có tính thời sự cao là tình huống gắn với “cơn sốt” game thực tế ảo Pokemon Go trong giới trẻ Việt Nam hiện nay: “Bạn chơi thử trò Pokemon Go trong một cuộc họp. Từ hôm đó, nhân viên của bạn ngang nhiên chơi Pokemon Go trong giờ làm việc, ngay trước mặt bạn. Thậm chí, có nhân viên khi đang họp và được yêu cầu đưa ra ý kiến vẫn còn cố bắt nốt con Pokemon rồi mới trả lời. Là lãnh đạo, bạn sẽ làm gì trong tình huống này?”

Nhận định đây là câu hỏi “cân não”, anh Đức Lưu - Trưởng phòng tài chính, kế toán Viện Medlatec cho biết, Pokemon Go là trò chơi sáng tạo, dù không chơi nhưng anh vẫn nghiên cứu về nó. Vấn đề anh quan tâm là người chơi vận dụng được gì từ trò chơi ấy. Nếu nhân viên đó tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ trò chơi, anh sẽ khuyến khích họ phát triển, ngược lại sẽ đưa ra lý do hợp lý để họ không lặp lại tình huống này. Cách xử lý tình huống của anh Đức Lưu được hội đồng giám khảo đánh giá cao. Theo giám khảo Đinh Quyết Thắng, đây là ứng viên tiềm năng mà ông hướng tới.

Bên cạnh đó, câu hỏi phỏng vấn yêu cầu ứng viên chia sẻ quan điểm xung quanh việc phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”không được chiếu tại cụm rạp lớn nhất Việt Nam CGV cũng được các ứng viên đánh giá là một trong những câu hỏi mới lạ, thú vị. Tình huống được đưa ra là: “Tấm Cám - Chuyện chưa kể không được chiếu tại CGV, cụm rạp lớn nhất Việt Nam do không đạt thoả thuận trong kinh doanh. Quan điểm của BHD, nhà phân phối phim đưa ra là CGV không ủng hộ công chiếu phim Việt tại hệ thống rạp của CGV. Trong khi đó, theo lập luận của CGV, BHD đang đòi hỏi quá nhiều, chỉ quan tâm đến phần trăm của hợp đồng mà không nhìn vào tổng doanh thu nhà làm phim có thể nhận được. Anh, chị ủng hộ quan điểm nào? Nếu định đầu tư vào sản xuất phim, anh, chị sẽ lựa chọn BHD hay CGV làm đối tác? Vì sao?”.

Là một trong những ứng viên nhận được câu hỏi tình huống này, với phần trả lời tự tin của mình, diễn viên Mai Thu Huyền, hiện đang là Tổng giám đốc của một công ty truyền thông được các giám khảo đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá của vòng phỏng vấn học bổng MBA 2016 tại TP.HCM. Theo diễn viên Mai Thu Huyền, vấn đề ăn chia lợi nhuận giữa nhà sản xuất phim và các cụm rạp đã tồn tại từ lâu và trường hợp của phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” chỉ là “giọt nước tràn ly”. Diễn viên này cũng đưa ra những thông tin, dữ liệu cụ thể về thực tế sản xuất phim tại Việt Nam như: số lượng phim Việt, tỷ lệ ăn chia giữa đơn vị sản xuất phim và các cụm rạp… để minh chứng cho nhận định của mình cho biết.

Một trong những câu được  các giám khảo hỏi nhiều nhất trong đợt phỏng vấn đầu tiên của chương trình Học bổng MBA 2016 là “Công ty của bạn gặp khủng hoảng thị trường liên tiếp trong vòng 2 năm. Là chủ doanh nghiệp, bạn đứng trước hai lựa chọn, thu hẹp các hoạt động sản xuất, sa thải hầu hết nhân viên đợi thời cơ hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp cho đối tác khác để họ đầu tư và vận hành doanh nghiệp, bạn lựa chọn phương án nào? Vì sao?”.

Là một trong những ứng viên nhận được câu hỏi này, ứng viên Thế Việt chia sẻ bản thân đã gặp tình huống tương tự trong quá trình đầu tư: “Có nhiều lựa chọn cho tình huống này chứ không chỉ là hai cách giải quyết như giám khảo đưa ra. Mình đã từng gặp trường hợp tương tự, nhưng may mắn là đã vượt qua. Sau sự kiện đó một năm, quy mô trang trại của mình tăng 3 lần, diện tích nhà xưởng cũng gấp 3, mình còn tham gia mở xưởng cơ khí rộng 80 m2”. Ứng viên này cũng biết, một trong những lý do giúp anh “lật ngược thế cờ” là giữ cho tâm tĩnh để sáng suốt trong các quyết định, nhìn thấu con đường mình đang đi. 

Đơn vị phỏng vấn đánh giá cao cách xử lý tình huống thông minh cũng như sức thuyết phục khi ứng viên áp dụng hoàn cảnh kinh doanh của bản thân vào câu trả lời phỏng vấn. Ngoài ra, suy nghĩ hướng thiện, đậm chất triết lý của Thế Việt cũng thu hút sự chú ý của hội đồng giám khảo về đại diện của thế hệ 9X này.

Trong đợt phỏng vấn học bổng MBA đầu tiên vừa qua, hội đồng giám khảo cũng đã đưa ra cho các ứng viên nhiều câu hỏi “độc, lạ”, thú vị khác như: “Việc bạn cho là kỳ quặc nhất mà mình từng làm”; “Nếu động đất xảy ra, chỉ có chỗ bạn đang ngồi là an toàn, bạn sẽ nghĩ đến ai”; hay tình huống “Giữa hai lựa chọn, chủ một quán ăn 2 chi nhánh với 30 nhân viên, tổng lợi nhuận hàng tháng khoảng 150 triệu đồng và CEO một đơn vị nước ngoài với mức lương tháng 200 triệu đồng phụ trách hệ thống 300 nhân viên tại Việt Nam. Anh, chị sẽ chọn vị trí nào? Vì sao”…

Theo kế hoạch, kết quả của vòng phỏng vấn sẽ được FSB công bố sau khi kết thúc đợt 2 của vòng phỏng vấn chương trình “Học bổng MBA dành cho nhà lãnh đạo tương lai” năm 2016 diễn ra vào ngày 18/9 tới tại Hà Nội và TP.HCM. Quyết định về mức học bổng trao tặng cho từng cá nhân sẽ được Hội đồng giám khảo đưa ra dựa trên 4 nhóm tiêu chí: điểm số vòng thi online (20%); bằng, bảng điểm đại học (GPA) và các chứng chỉ (20%); Các loại giải thưởng và tầm ảnh hưởng trong công tác, trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao hoặc trên mạng xã hội (30%), Tố chất lãnh đạo được thể hiện trong vòng phỏng vấn (30%).