Những ngày Xuân Mậu Tuất này hãy chiêm ngưỡng hoạ phẩm Mùa Xuân của Botticelli, tác phẩm được Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS) coi là Thành Tựu Mỹ Thuật Cho Muôn Đời.

Bạn hãy bay lên với khát khao sáng tạo, chung tay dựng xây một thế giới tốt đẹp tràn đầy trí tuệ và lòng nhân ái mà AIWS đang cùng những nhân vật tinh hoa thế giới khởi xướng.

{keywords}
Bức "Primavera" - "Mùa xuân" của danh họa Botticelli.

Mùa xuân là mùa của vạn vật cùng hoan ca hòa sắc, hòa âm. Và như một sự kết hợp hoàn hảo của những gì tinh hoa, tinh tế và đẹp nhất của thiên nhiên cho sự khởi đầu sự sống bất tận, cho những tri thức của nhân gian được hòa hợp một cách tự do phóng khoáng, mùa xuân mang bao hương vị nồng nàn nóng bỏng, tràn ngập giai điệu vui tươi như dòng mật ngọt len vào mỗi trái tim người, để rung lên nhịp xốn xang…

Gần 600 năm trôi qua, khi nói về các họa phẩm về mùa xuân, không thể không nhắc đến đầu tiên bức "Primavera" - "Mùa xuân", được hoàn thành vào năm 1482 của danh họa Botticelli, người Italia Sandro Botticelli (1445- 1510). Một bức tranh mang vẻ đẹp phi thời gian vừa thần bí linh thiêng, vừa cám dỗ những đam mê trần thế một cách nguyên sơ trong sáng.

Tôi đã có một sự may mắn được chiêm ngưỡng tận mắt vẻ "vô đối" của "Primavera". Không biết tôi là vị khách, một "fan" thứ bao nhiêu chiêm ngưỡng bức "Primavera" từ năm 1919 đến nay tại bảo tàng Uffizi, Florence, Italia, mà theo thống kê mỗi năm có xấp xỉ 1,5 triệu du khách bón phương đến đây để thưởng lãm "mùa xuân vĩnh cửu" này.

Khi đứng trước "Primavera", không chỉ chóang ngợp trước vẻ đẹp đầy sức sống toát ra từ bức tranh, mà còn là một cảm giác bức tranh đang chuyển động, là một khung cảnh thực hiển hiện trước mắt, và mình là một thành viên đang ở trong đó, cùng rạo rực, phấn khích, cùng tận hưởng những hoan lạc thần tiên, cùng khám phá những bí ẩn của vạn vật trong thế giới loài người.

"Primavera" có kích thước khá lớn, 202 x 314cm bằng chất liệu tempra trên bảng. Tranh được lấy cảm hứng từ bài thơ "Fasti" của Ovid về mùa xuân và các lễ hội. Đây là bức tranh do Lorenzo de Medici, người đứng đầu gia tộc Medici (một gia đình giàu có và quyền lực bậc nhất trong lịch sử nhân loại) đã đặt Botticelli vẽ để làm quà cho Giulio di Giuliano de Medici (người sau này trở thành Đức Giáo hoàng).

Với tài năng và phong cách vẽ độc đáo, thể hiện tư tưởng tiến bộ của thời kỳ đầu Phục Hưng, Botticelli thường gắn các chủ đề thần thoại với các nhân vật trong truyền thuyết với hiện thực cuộc sống đương đại, không biết có phải vì thế mà các họa phẩm nói chung của ông, "Primavera" nói riêng đều trở thành "phi thời gian", luôn luôn "sống" một cách sinh động trong nhân gian kể từ 6 thế kỷ nay và sẽ còn là mãi về sau.

Thật sự thú vị, khi ngắm "Primavera", như đang được ở trong khu vườn lộng lẫy cỏ hoa thơm ngát, "diện kiến" các vị thần tiên tạo nên mùa xuân vạn vật trên trái đất của Hy Lạp- La Mã cổ đại. 9 vị thần tiên và cỏ cây hoa lá trong "Primavera" là sự thể hiện sinh động, đầy màu sắc về sự sống tự do nhiều khát vọng, tình yêu, hôn nhân, thịnh vượng và niềm hạnh phúc đang đến với nhân gian khi mùa xuân tới.

Tính từ trái qua phải bức tranh, chín nhân vật của "Primavera" lần lượt là: Thần truyền tin (Hermes/ Mercury), 3 Nữ thần Duyên dáng, Nhan sắc, Thông minh (Three Graces/ Gratiae), Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp (Aphrodite/ Venus), Thần Tình yêu (Eros/ Cupid ), Nữ thần mùa xuân (Primavera), Nữ thần Hoa (Chloris / Flora), và Thần gió Đông (Zephyrus).

Theo thần thoại, chuyện kể rằng một hôm Nữ thần Sông suối Chloris dạo chơi trong rừng, Thần gió Zephyrus vì say đắm sắc đẹp liền bắt cóc nàng về làm vợ. Hối hận về việc làm này, thần liền biến Chloris thành Nữ thần Hoa Flora, mỗi khi Flora hé môi thốt lên điều gì đó thì từ miệng nàng lại rơi ra một loài hoa, nàng còn được tặng một khu vườn xanh tươi mãi mãi là mùa xuân.

Vị trí trung tâm của "Primavera" là Nữ thần Aphrodite, giống một "barie" ngăn cách thế giới thần tiên với những đam mê trần tục. Bên tay trái của Nữ Thần là ba Mỹ nữ thần Duyên dáng, Nhan sắc và Thông minh, tay trong tay nhảy múa, và là đối tượng của thần Cupid, với hình hài một em bé, đang bay lượn trên đầu Thần Aphrodite "bắn tên". Bên cạnh ba Mỹ nữ thần là Thần truyền tin Mercury quấn vải đỏ, đội mũ và đeo thanh gươm, đang giơ chiếc gậy chỉ về phía đám mây xám làm phép giữ cho khu vườn không bị mưa, lạnh, đón mùa xuân mới.

Bên góc phải ngay cạnh thầnAphrodite là Nữ thần Mùa xuân Primavera, đầu đội vòng hoa, mặc váy hoa, một tay rắc cánh hoa... Sát cạnh nàng là Thần Sông suối Chloris (Nữ thần hoa Flora), hé miệng nói là rơi ra hoa, mặc váy trắng mỏng, đang bị thần gió đông Zephyrus với làn da tái xanh, miệng thổi ra làn gió mạnh lạnh lẽo nghiêng ngả cây cối, lôi kéo.

Có một sự kinh ngạc và thán phục đến không tưởng, trong "Primavera" danh họa Botticelli đã vẽ chi tiết, tỉ mỉ, chính xác như một nhà giải phẫu thực vật học 500 loại cây cỏ và hoa lá khác nhau, mà cho đến nay các nhà sinh vật học mới chỉ "đọc tên" được 130/190 loài hoa có mặt trong tranh.

"Primavera", danh họa Botticelli sử dụng đề tài mùa xuân để khai triển bốn tầng tư tưởng được tranh luận vào thời điểm đó: 1- Trật tự vũ trụ và sự tái tạo của thiên nhiên; 2- Tính dục thiêng liêng của tự nhiên và xem hôn nhân là văn minh; 3- Sự thịnh vượng về chính trị ở Florence dưới thời của Medici; 4- Cuộc Phục hưng về văn hoá ở Florence cho thấy tư tưởng cao cả và tài lãnh đạo của Medici.

"Primavera" đã tạo nên nhiều luồng tư tưởng khác nhau, cho đến nay vẫn là nhiều cuộc tranh cãi không ngừng của giới nghiên cứu nghệ thuật và lịch sử, chú ý nhất hai lý giải theo chủ đề bức tranh: Một số sử gia cho rằng nó là biểu tượng của sự hôn phối, dành cho việc cử hành một lễ cưới trong gia tộc Medici (có thể do ảnh hưởng của dòng tộc này vào thời điểm đó và là chủ sở hữu tranh); Ý khác thì cho rằng bức tranh chủ ý mô tả toàn bộ những ngành Nghệ thuật Tự do, mang lại sự thăng hoa sức sáng tạo qua việc bảo trợ nghệ thuật của thế gia Lorenzo de Medici.

Nhưng với tôi, theo cảm nhận của một người ở vị trí khách thưởng lãm, thì "Primavera" là biểu tượng "Mùa xuân vĩnh cửu" của nhân gian, là khởi đầu cho một sự mới mẻ, bắt đầu sự sống của vạn vật thế gian, biểu tượng của những dung nạp tri thức đời người để kiến tạo những ước mơ, khát vọng, hoài bão, và để thực hiện đến thành công…

Điều cảm thấy thú vị nhất là sự tập hợp các vị thần, mỗi vị bảo trợ cho một vẻ đẹp của thế gian, ngay cả làn gió đông lạnh lẽo của Thần gió đông Zephyrus tưởng chừng là hiện diện của xấu xí, nhưng chính là sụ tương phản làm nền để càng thấy cái lộng lẫy của khu vườn xuân vĩnh cửu "Primavera" tràn ngập hương thơm hoa lá, tràn ngập nồng nàn tình yêu, tràn ngập thịnh vượng sinh sôi và trên hết là sụ tự do phóng khoáng để tung thả những cảm xúc không bị bất cứ gì ngăn cản.…

Các nữ thần trong "Primavera", ngoài Thần Apphrodite biểu tượng tình yêu và sắc đẹp, các nữ thần và mỹ thần còn lại đều là biểu tượng của sự tuyệt mỹ và hoàn hảo, không chỉ là vẻ đẹp nhân gian, mà còn là vẻ đẹp có sức hút say mê của nghệ thuật, một nền nghệ thuật có sự hòa quyện cân xứng đồng điệu như điệu luân vũ của các mỹ thần, có sự phong phú đa dạng, tinh tế, tỏa hương sắc như từng cánh hoa nhánh lá.

Vị thần Tuyền tin Hermes là sứ giả của Thần Jupiter, thần biểu tượng của tri thức, ở phía tay trái bức tranh, phải chăng cũng là ngầm chứa thông điệp mà Botticelli gửi gắm, là sự tự do trong nghệ thuật, biểu hiện cho Trí tuệ trần gian trong một lễ hôn phối thần tiên có các thần linh tham dự? Đặc biệt sự trong sáng thuần khiết không nhuốm màu trần tục tầm thường dù rất gợi cảm, rất quyến rũ. Ở cái nhìn bằng con mắt của ngày hôm nay, "Primavera" của danh họa Botticelli chính là biểu tượng của sự tái sinh, hồi sinh những tri thức vạn vật trong thế gian.

Ngày đầu xuân, Tết Việt, ngắm "Primavera" của danh họa Botticelli từ 6 thế kỷ trước, cảm nhận những thông điệp gừi gắm trong bức tranh mong một "Mùa xuân vĩnh cửu" như cảm hứng bất tận để sáng tạo và cống hiến./.

Hoài Hương