Các nhà chỉ trích mô tả Prism là bê bối do thám của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ trong khi những người ủng hộ nó coi đó là nỗ lực tuyệt vời để phá các âm mưu khủng bố.

{keywords}

Vậy, Prism là gì? Đây là hệ thống do thám do Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) khởi động vào năm 2007.

Theo một tài liệu rò rỉ ghi 4/2013, chương trình Prism cho phép NSA "nhận" thư điện tử, các đoạn phim, ảnh, cuộc gọi thoại và video, thông tin về mạng xã hội, việc đăng nhập và các dữ liệu khác mà hàng loạt hãng internet Mỹ như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo và Skype nắm giữ.

Tài liệu trên cho biết, một năm, Mỹ tốn 20 triệu USD để chạy chương trình này và Prism được thiết kế để đánh bại những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu chống khủng bố của NSA.

Thông tin chi tiết về chương trình do thám internet bí mật này mãi tới 6 năm sau mới được công chúng biết tới qua những tiết lộ của Edward Snowden, 30 tuổi, cựu trợ lý kỹ thuật cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Snowden cho hay, việc thu thập thông tin của NSA lớn hơn rất nhiều những gì công chúng biết và Snowden nói, hành động đó là "nguy hiểm" và "phạm tội".

Những thông tin rò rỉ về chương trình do thám được báo Guardian và Washington Post phơi bày vào 6/6. Cùng ngày, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ xác nhận Prism có tồn tại và giải mật một số thông tin về nó.

Hiện, Edward Snowden bị Mỹ quy tội đánh cắp tài sản quốc gia, cố ý tiết lộ thông tin tình báo mật, truyền đạt thông tin quốc phòng trái phép.

Các tài liệu ghi chép cho biết, Prism là nguồn tin tình báo số 1 cho các báo cáo phân tích của NSA. Khoảng 1 trong số 7 báo cáo tình báo do NSA đưa ra kể từ năm 2007 chứa những dữ liệu do Prism thu thập được.

Quan chức chính phủ Mỹ đã phản bác một số khía cạnh trong các bài báo của Guardian và Washington Post đồng thời lập luận rằng Prism không thể dùng để nhằm vào bất kỳ công dân Mỹ nào hoặc bất cứ ai sống ở Mỹ mà không có lệnh của tòa án, và nó giúp ngăn các hành động khủng bố.

Theo một tiết lộ mới của Edward Snowden, NSA đã do thám điện thoại của 35 nhà lãnh đạo. Điều gây sốc nhất về bê bối do thám này chính là theo luật Mỹ, việc do thám liên lạc trên internet là hoàn toàn hợp pháp.

  • Lê Nguyễn (Theo BBC, AustraliaNews, Independent)