Chuyến công du tới châu Á tuần này của Tổng thống Nga - tiếp sau hàng loạt cuộc gặp ngoại giao và quốc phòng ở Nhật trước đó - chứng tỏ nỗ lực liên tục của Moscow trong việc gia tăng vị thế khu vực.
Năm ngoái, Nga lần đầu tiên tổ chức hội nghị APEC. Trước đó, họ đã tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Một nửa lượng vũ khí xuất khẩu của Nga là sang các nước châu Á - khu vực cũng là bạn hàng lớn của Moscow trong lĩnh vực dầu khí, công nghệ, hạt nhân dân sự.
Cũng giống như các cộng sự phương Tây, giới phân tích Nga cho rằng, những xu thế nhân khẩu học, kinh tế... sẽ khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực quan trọng nhất của thế giới trong những thập niên tới.
Tổng thống V.Putin trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12/11. Đứng cùng ông là Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng VH-TT-DL Việt Nam. Ảnh: Minh Thăng |
Tuy nhiên, Nga thường bị coi là "chậm chân và thận trọng" trong các sáng kiến lấy châu Á làm trung tâm. Mặc dù có vị trí đắc địa, với nhiều phần lãnh thổ giáp châu Á, Nga vẫn chưa tích hợp được vào các nền kinh tế sôi động của Đông Á.
Mặc dù ông Putin có thể trích dẫn những số liệu thương mại song phương kỷ lục đạt được với mỗi nước, nhưng quan hệ thương mại giữa Nga với Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn tụt hậu so với sự tương tác kinh tế giữa ba nước châu Á với nhau. Sự linh hoạt trong ngoại giao của Moscow cũng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng lãnh thổ với Tokyo xung quanh quần đảo Kuril, vì sự thất bại chung của Nga và Mỹ trong việc tái lập vị thế ở châu Á và vì cách thức đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trung Quốc và Nga đã thiết lập được một mối quan hệ dựa trên sự chia sẻ lợi ích quốc gia trong duy trì ổn định khu vực, hạn chế ảnh hưởng phương Tây và thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga từ năm 2008, trở thành cửa ngõ để Nga tiến đến các thị trường Đông Á khác và có lẽ sẽ sớm trở thành nguồn chính về đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Nga lại đang tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Đông Á, độc lập trong mối quan hệ với Trung Quốc. Họ coi Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như ống dẫn quan trọng để tạo dựng và khuếch trương ảnh hưởng. Mục tiêu là để nâng cao đòn bẩy của Nga với mọi người chơi trong khu vực, thiết lập khả năng đối trọng với bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh trong bất kỳ một mối quan hệ nào. Moscow đã theo đuổi chính sách như thế trong trường hợp với Trung Quốc và Ấn Độ, đào sâu quan hệ an ninh và kinh tế với cả hai nước, không thiên hẳn về phía nào. Tư duy tương tự gần đây được mở rộng sang các đối tác khác ở châu Á.
Mong muốn và lực cản
Trong cả năm nay, Nga đưa ra nhiều sáng kiến để làm dịu căng thẳng với Nhật. Sáu tháng qua, Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe 4 lần. Tháng 4, ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật đầu tiên trong vòng một thập kỷ có chuyến thăm chính thức tới Nga. Kết thúc chuyến công du, lãnh đạo hai nước ra tuyên bố chung thúc giục Bộ Ngoại giao của họ tìm kiếm những giải pháp giải quyết bất đồng, trong khi công bố một số sáng kiến kinh tế.
Có nhiều hy vọng về tiến trình giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril trong thời gian tới. Đây là điều cần thiết để tiến tới bình thường hóa quan hệ Nga - Nhật. Nhật trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga ở châu Á sau Trung Quốc, với con số kỷ lục 33 tỉ USD năm ngoái.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ngoài việc tìm kiếm gia tăng các cơ hội đầu tư và thương mại, người Nga mong muốn làm dịu quan hệ căng thẳng liên Triều. Giới doanh nhân Nga tính sử dụng Triều Tiên như nơi “quá cảnh” cho xuất khẩu năng lượng và đường sắt Nga sang Hàn Quốc cũng như một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Putin và những nhà hoạch định chính sách khác còn muốn hấp dẫn thêm đầu tư trực tiếp và công nghệ cao của Hàn Quốc vào Nga, đặc biệt là để cải thiện vùng Viễn Đông. Một sự phát triển như vậy sẽ giúp Nga tương tác tốt hơn với Đông Á cũng như tăng cường vị thế của Moscow với Bình Nhưỡng. Dĩ nhiên, các kế hoạch là khó khả thi nếu Triều Tiên không chấm dứt bất hòa với láng giềng, một mình Moscow không thay đổi được nhiều.
Chiến lược ngoại giao khu vực của Nga còn phải đối mặt với những trở ngại khác, ví như sự hạn chế trong các công cụ ngoại giao và thương mại - hiện tại phần lớn trông chờ vào vũ khí và năng lượng. Mặc dù Nga đã “thoải mái” hơn trước liên minh quân sự Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng họ vẫn phản đối tham vọng lá chắn tên lửa của Lầu Năm Góc. Trung Quốc đứng về phía Nga trong phương diện này nhưng lại muốn Moscow hạn chế cung cấp vũ khí và giúp các nước Đông Nam Á phát triển tài nguyên năng lượng ở những vùng biển tranh chấp.
- Thái An (theo World Politics Review, Voice of Russia)