Vượt qua một năm nhiều biến động
Theo báo cáo của PVOIL, năm 2021, tổng công ty đã trải qua một năm thị trường xăng dầu nhiều biến động và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả, PVOIL đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được ĐHĐCĐ giao phó, lợi nhuận có mức tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ xăng dầu toàn hệ thống đạt 3.132 nghìn m3, hoàn thành 99,4% kế hoạch năm và tăng trưởng 7% so với thực hiện năm 2020. Tổng doanh thu cả năm đạt 58.299 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 928 tỷ đồng, gấp 2,3 lần kế hoạch được giao.
Năm 2022, nhận thức những thời cơ và thách thức của thị trường, PVOIL đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hợp nhất 45.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 500 tỷ đồng.
Tại Đại hội, PVOIL đã cập nhật kết quả SXKD quý I/2022 cho cổ đông với tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt mức kỷ lục là 875 nghìn m3, đạt 27,8% kế hoạch năm. Doanh thu hợp nhất ước đạt 23.288 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 353 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm và tăng 71% so với cùng kỳ quý I/2021.
Trong phần giải trình trước cổ đông, lãnh đạo PVOIL cho biết, PVOIL có kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu OIL từ sàn UPCoM sang sàn HoSE khi đáp ứng đủ các điều kiện chuyển sàn. PVOIL và Vietjet hiện đang có hợp tác tốt về thương mại, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau và vẫn đang tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác trong kinh doanh xăng Jet A1. Về cổ tức, PVOIL sẽ thanh toán sớm nhất có thể cổ tức năm 2021 cho cổ đông. Nếu hoạt động năm 2022 thuận lợi thì dự kiến cổ tức sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2021.
Thích ứng linh hoạt với tình hình mới
Ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng Giám đốc PVOIL cho biết, trong năm 2021 và quý I/2022, PVOIL tận dụng tốt cơ hội thị trường và duy trì tồn kho hợp lý để đạt được kết quả kinh doanh khả quan. PVOIL cũng chủ động kế hoạch nguồn hàng trong nước và nhập khẩu để bù đắp trong trường hợp thiếu hụt nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và đề nghị Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo sớm kế hoạch vận hành nhà máy để chủ động phương án nhập hàng. Nếu tình hình ổn định như hiện nay, PVOIL kỳ vọng sản lượng có thể tăng 3-4% trong năm nay, trong tình hình thuận lợi thì sản lượng có thể tăng 5-7%.
Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương chia sẻ, việc chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của xe điện ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD xăng dầu truyền thống. PVOIL luôn theo dõi sát thị trường để có bước đầu tư hợp lý, đúng thời điểm, biến thách thức thành cơ hội.
Hiện tại, PVOIL có chương trình hợp tác với các đối tác để chuyển đổi một số cửa hàng xăng dầu (CHXD) trở thành cửa hàng phục vụ đa dạng, vừa có trụ bơm xăng dầu vừa có trạm sạc xe điện để phục vụ các đối tượng khách hàng hoặc chuyển đổi hoàn toàn CHXD sang trạm sạc xe điện tùy theo tình hình thị trường. Bên cạnh đó, PVOIL đã sớm ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, đem lại hiệu quả cao. PVOIL đi đầu trong triển khai thanh toán xăng dầu không dùng tiền mặt qua chương trình PVOIL Easy và mở rộng liên kết với các ứng dụng thanh toán điện tử lớn nhất Việt Nam. Trên nền tảng đó, PVOIL cũng đã phát triển phần mềm bán háng dành cho khách hàng bán buôn (PVOIL B2B) tạo ra nhiều thuận tiện cho khách hàng, cải thiện quản trị của bên bán, cũng như bên mua. Sắp tới, PVOIL sẽ tiến hành triển khai ứng dụng công nghệ dành cho khách hàng cá nhân, hiện đại hóa trụ bơm xăng dầu…
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đánh giá cao kết quả SXKD đạt được của PVOIL trong năm 2021, một năm cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19; ngoài ra, PVOIL đã tích cực thực hiện nghĩa vụ bao tiêu, hỗ trợ các nhà máy lọc dầu trong nước tránh tình trạng tank-top khi tiêu thụ thị trường giảm sút mạnh do giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài.
Doãn Phong