Vừa qua, Lâm Đồng phát hiện một bác sĩ tự ý ký thay 19 người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế và trục lợi, lấy hơn 350 triệu đồng. Làm thế nào để người dân biết thẻ Bảo hiểm y tế của mình đang bị sử dụng khống hay không? Nếu nghi ngờ, chúng tôi cần báo cho ai để xác minh? (Hoàng Lộc, TP.HCM)

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM trả lời:

Cách đơn giản để người dân phát hiện thẻ Bảo hiểm y tế bị người khác sử dụng là cài đặt ứng dụng VssID của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Cụ thể, khi bạn vừa khám bệnh xong, thông tin sẽ được bệnh viện đẩy ngay lên cổng thanh toán, ứng dụng VssID sẽ cập nhật để thông báo về điện thoại cho người dùng. Người bệnh biết chính xác lịch sử khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của bản thân. 

Vì vậy, bạn sẽ phát hiện ngay nếu người khác sử dụng khống thẻ Bảo hiểm y tế của mình. Đây là lợi ích lớn, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế. Trường hợp bạn lớn tuổi hoặc không dùng điện thoại thông minh, có thể nhờ người nhà cài đặt để theo dõi giúp.

bao-hiem-y-te-1.jpg
Thông tin khám chữa bệnh BHYT của một người dân hiển thị trên ứng dụng VssID. Ảnh: GL.

Trước đây, người dân không thể biết và cơ quan bảo hiểm cũng vất vả để xác minh các tình huống trục lợi Bảo hiểm y tế. Chúng tôi phải đến tận nhà bệnh nhân để giám định ngược.

Nghĩa là khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như khám bệnh Bảo hiểm y tế nhiều lần mà không thực hiện các cận lâm sàng, chỉ khám và nhận toa thuốc, cơ quan bảo hiểm sẽ xuống bệnh viện và sao chép toa. Sau đó, chúng tôi đến nhà bệnh nhân thăm bệnh và xác minh thông tin.

Hiện nay với ứng dụng trên điện thoại, quy trình này đơn giản hơn nhiều. Chúng tôi cũng phát hiện một số người dân đăng ký nhầm số điện thoại cá nhân (thông tin khám bệnh Bảo hiểm y tế bị gửi nhầm sang người khác), có trường hợp trục lợi Bảo hiểm y tế, hoặc ghi tên người bệnh để lấy thuốc.

Về phía người dân, nếu không khám bệnh Bảo hiểm y tế mà thấy ứng dụng trên điện thoại báo thông tin thì phải khiếu nại ngay đến cơ quan bảo hiểm để được giải quyết. Việc này còn giúp bạn tránh được các bẫy lừa đảo đang ngày càng phức tạp như trường hợp gọi điện thoại doạ 'nợ tiền khám bệnh BHYT, không trả bị gửi hồ sơ lên tòa' vừa qua. 

Bên cạnh đó, người dùng sẽ hiểu rõ toàn bộ quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (dùng làm cơ sở tính toán lương hưu, hoặc các chế độ ngắn hạn khác như ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp); hiệu lực thẻ Bảo hiểm y tế tới đâu, lợi ích nhờ tham gia 5 năm liên tục đã có chưa, bản thân đã từng khám bảo hiểm ở đâu, bệnh gì, quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả hết bao nhiêu tiền...