- Trong hai ngày 7/6 và 8/6, Quốc hội dành trọn để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những vấn đề đang rất nóng.
Hy sinh chỉ tiêu tăng trưởng?
Báo cáo kinh tế - xã hội đầu kỳ họp của Chính phủ với nhận định đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế khiến các ĐB hết sức quan ngại. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%.
Các chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãi suất vay ngân hàng cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng.
Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.
Sự mất cân đối giữa khả năng hồi phục của các doanh nghiệp và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khiến nhiều ĐB đặt câu hỏi liệu có hay không nguy cơ nền kinh tế đang bị các nhóm lợi ích chi phối.
Trước thực trạng thất nghiệp tăng, đời sống người dân khó khăn, các ĐB trong các phiên họp đã nhấn mạnh cần những chính sách hỗ trợ đời sống nhân dân để dân yên tâm, tin tưởng đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cử tri và ĐB cũng đặc biệt không khỏi lo lắng trước những vụ việc phức tạp ở Tiên Lãng, Văn Giang…, bộc lộ những mâu thuẫn tiềm ẩn trong xã hội liên quan đến đất đai nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ để lại những hệ quả khó lường.
Cần tư duy mạnh dạn
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế kiên định với ba lĩnh vực trọng tâm là thị trường tài chính, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để thực hiện tái cơ cấu có thể phải hy sinh tăng trưởng để đạt mục tiêu đưa nền kinh tế phát triển bền vững theo chiều sâu.
Tuy đã qua nhiều lần thảo luận ở Thường vụ QH, đề án này khi trình bày vẫn bị đa số ĐB đánh giá là chung chung và chưa có đột phá.
Vụ việc xảy ra ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), và trước đó là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tiếp tục đặt ra một loạt lo ngại về quản lý vốn nhà nước và nhân sự tại các DNNN.
Các ĐB đều nhấn mạnh để DNNN giữ và phát huy được vai trò trụ cột của nền kinh tế, cần một tư duy thực sự mạnh dạn để các doanh nghiệp này cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Những thông tin mới về việc Đan Mạch hoãn tài trợ ODA cho Việt Nam do nghi vấn gian lận ở một số dự án cũng dấy lên các câu hỏi về quản lý ODA nói riêng và các nguồn vốn đầu tư xã hội nói chung.
Bàn về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách hay tái cơ cấu, các ĐB đều nhấn mạnh nhìn thẳng vào sự thật để bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc tìm giải pháp tạo đà cho kinh tế vượt qua khó khăn và tăng trưởng bền vững.
Phiên họp diễn ra trong hai ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên VTV và VOV.
Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng