Thứ hai (ngày 1/8)
Vào ngày thứ hai, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã nộp đơn khiếu nại dân sự buộc tội 11 người tham gia sáng lập và quảng bá nền tảng Forsage có liên quan đến một kế hoạch ponzi. Ước tính, nhóm này đã huy động được hơn 300 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Ponzi là một hình thức lừa đảo, nơi những kẻ gian lên kế hoạch sử dụng tiền từ các nhà đầu tư mới để trả cho các nhà đầu tư trước đó. Quá trình này sẽ liên tục diễn ra cho đến khi hành vi gian lận không còn duy trì được nữa.
Forsage tự tuyên bố là một nền tảng hợp đồng thông minh phi tập trung, cho phép hàng triệu nhà đầu tư tham gia giao dịch trên các blockchain Ethereum, Tron và Binance. SEC cáo buộc rằng trong hơn 2 năm qua, nền tảng này đã hoạt động như một mô hình ponzi, trong đó các nhà đầu tư thu lợi nhuận bằng cách tuyển dụng thêm những người mới.
Trong đơn khiếu nại, SEC gọi Forsage là "một mô hình kim tự tháp lừa đảo và kế hoạch ponzi điển hình". Đơn khiếu nại cũng nói thêm rằng phương thức chính mà các nhà đầu tư kiếm tiền từ Forsage là tuyển dụng thêm người mới.
"Như đơn kiện đã đề cập, Forsage là một kế hoạch lừa đảo ponzi trên quy mô lớn. Những kẻ gian lận sẽ không thể lách luật chứng khoán liên bang bằng cách tập trung kế hoạch vào các hợp đồng thông minh và blockchain", Carolyn Welshhans, đại diện SEC, cho biết.
Thứ ba (ngày 2/8)
Công ty khởi nghiệp tiền điện tử Nomad đã bị đánh cắp gần 200 triệu USD. Nomad là cầu nối (bridge) cho phép người dùng hoán đổi token từ chuỗi khối này sang chuỗi khối khác.
Theo các chuyên gia bảo mật chuỗi khối, vụ tấn công được thực hiện bằng nhiều tài khoản khác nhau. Thậm chí, không ít người khi phát hiện ra điều này còn "hôi của" bằng cách sao chép lại giao dịch của hacker và chỉ thay đổi địa chỉ ví rút tiền nhằm bòn rút từ Nomad.
"Ngay cả khi không có kinh nghiệm về lập trình, bất cứ người dùng nào cũng có thể sao chép giao dịch của tin tặc và thay thế địa chỉ ví rút bằng địa chỉ ví của họ.
Không giống với các cuộc tấn công trước đó, vụ việc của Nomad đã trở thành một cuộc tấn công mà trong đó rất nhiều người dùng đã phá hủy mạng lưới", Victor Young, người sáng lập kiêm kiến trúc sư trưởng của công ty khởi nghiệp tiền điện tử Analog, chia sẻ.
Sam Sun, chuyên gia nghiên cứu tại công ty đầu tư tiền điện tử Paradigm, đã mô tả cuộc tấn công này là "vụ hack hỗn loạn nhất từng xảy ra từ khi Web3 xuất hiện". Web3 là một phiên bản giả định trong tương lai của Internet, được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain.
Thứ tư (ngày 3/8)
Vào đêm thứ ba rạng sáng thứ tư, hàng loạt ví "nóng" kết nối với blockchain của Solana đã bị tấn công. Theo công ty phân tích blockchain Elliptic, gần 8.000 ví kỹ thuật số đã bị rút hơn 5,2 triệu USD tiền điện tử, bao gồm đồng SOL và USDC. Tài khoản Twitter chính thức của Solana cũng đã xác nhận vụ tấn công.
Token SOL của mạng Solana hiện là một trong những đồng tiền điện tử có giá trị lớn nhất, sau Bitcoin và Ethereum. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá trị của SOL đã giảm 8% chỉ trong 2 giờ sau vụ tấn công.
Trao đổi với CNBC, Tom Robinson - chuyên gia từ Elliptic, cho biết nguyên nhân chính xác của vụ tấn công vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có vẻ như vụ việc xuất phát từ một lỗ hổng trong phần mềm ví và không liên quan đến mạng blockchain của Solana.
"Các kỹ sư cũng như một số công ty bảo mật đang tích cực điều tra nguyên nhân của vụ việc này," Solana cho biết.
Hiện tại, Solana khuyến cáo người dùng nên sử dụng ví "lạnh" để có thể giữ tài sản một cách an toàn.
Solana từng được xem là một trong những mạng lưới triển vọng nhất trong thị trường tiền điện tử. Thậm chí, đây còn được ví như kẻ thách thức đối với Ethereum. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mạng lưới này liên tục gặp phải hàng loạt vấn đề cũng như khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính phi tập trung.
(Theo Dân trí)
Dùng Bitcoin thuê sát thủ giết chồng nhưng gặp trúng điệp viên FBI
Các điệp viên FBI đã theo dõi những hành vi vi phạm pháp luật bằng Bitcoin và bắt được người phụ nữ muốn giết chồng mình.