Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, đơn vị làm sách thiếu nhi hàng đầu Việt Nam, đã từ chối bản thảo tập “Quà cho con” vì chất lượng không đảm bảo.

NXB Kim Đồng "chê" 

Lý do từ chối, theo người phụ trách nội dung của NXB Kim Đồng chia sẻ với Báo NNVN đó là chất lượng tập “văn vần này không đạt”. Ghi nhận sự nhiệt tình của tác giả Nguyễn Huy Hoàng (hiện là thư ký của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên), song với một đơn vị có bề dày kinh nghiệm xuất bản sách cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng đã đề xuất phải biên tập rút ngắn nội dung, chỉ lựa chọn một số bài tương đối khá để sử dụng. 

“Sau khi ông Nguyễn Huy Hoàng chuyển bản thảo đến, NXB Kim Đồng đã đọc thẩm định và trao đổi với tác giả nếu muốn tập văn vần này đến với trẻ em thì nhiều bài phải loại bỏ, nhưng tác giả không đồng ý”. Nhìn vào thị trường xuất bản hiện nay, Kim Đồng là đơn vị xuất bản rất nhạy bén với thị trường. 

{keywords}
"Quà cho con" gây tranh cãi.

Vì vậy, tập “Quà cho con” không được nhà xuất bản này cấp “giấy khai sinh” đủ để thấy chất lượng về cả nội dung của cái được gọi là thơ lẫn kỹ năng sống đều không đạt. Những bậc phụ huynh tinh ý và thông minh đều hiểu điều này. Còn về những ý kiến đánh bóng “Quà cho con” ở trong sách của các vị có danh, nhà văn Văn Chinh thẳng thắn bày tỏ: “Đừng đùa bia miệng”. 

Ông Văn Chinh nhắc lại lời người xưa, chớ kiếm củi ba năm thiêu rụi một giờ, vì mua danh ba vạn còn khó chứ bán giá bây giờ thì được mấy đồng. “Hãy yêu trọng chính mình vì bia miệng không đùa được đâu”. 

Báo Văn nghệ lên tiếng 

Truyền thông đã “thổi” tập “Quà cho con” lên quá đà. Cụ thể, nhà thơ Đỗ Tiến Thụy trong một bài viết trên Báo Văn nghệ gọi là: Hùa nhau “thổi” sách dở lên mây. Ông Thụy nói: “Việc các tác giả và nhà sách sử dụng PR để được biết đến, để bán được sách là một khát vọng cháy bỏng. Chả thế mà có một vị tiến sĩ đã phịa ra giai thoại được… thánh hiện về nhập vào người nên trong một đêm ông đã viết được hàng trăm bài “thơ thần Phật” xứng đáng… giật giải Nobel để lòe độc giả… Thế nên Nguyễn Huy Hoàng có bắt tay với nhà sách Tân Việt sử dụng chiêu thức “thổi giá sản phẩm” đến mức… khét lẹt nhằm gây sự tò mò chú ý của độc giả và các tờ báo đói tin “giật gân” cũng là điều dễ hiểu”. 

Ở đây, đối tượng tiếp nhận chính là trẻ em chưa hề được hỏi tới. Chỉ có những bậc phu huynh người khen nhiều và người chê cũng không ít. Người viết bài này không dám lạm bàn chuyện trẻ em các lứa tuổi đọc tập thơ này có ý kiến ra sao, song xin dẫn ra một ví dụ rất thực tế. 

Đó là, ngày 1/6/2016, tại Thư viện Bộ GD-ĐT (35 Đại Cồ Việt, Hà Nội), tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã có cuộc giao lưu ra mắt tập sách với CLB Yêu sách của Bộ GD-ĐT. Xin không đi vào chi tiết những ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nói rằng trong tập thơ có cả định nghĩa của UNESCO về việc học; hay ý kiến dịch tập thơ ra tiếng Anh… 

Đáng nói là, khi hỏi ý kiến của các em thiếu nhi nhiều lứa tuổi ở đó cho biết suy nghĩ sau khi đọc tập “Quà cho con” thì các em đều… im lặng. Trẻ em như tờ giấy trắng, chưa biết làm vừa lòng trong những hoàn cảnh tế nhị như người lớn. Trong một không gian gần gũi và thân mật như vậy, các em thiếu nhi không có ý kiến đã là thể hiện ý kiến của các em rồi. Đâu có kỹ năng kỹ xảo gì ở trong đó. 

Nếu bám vào việc dạy kỹ năng sống cho thiếu nhi thì “Quà cho con” thể hiện rất vụng về. Tổ tiên chúng ta đã đúc kết thành những lời dạy trẻ mộc mạc mà gần gũi còn bằng vạn lần. Đây nhé, toàn những ca dao, tục ngữ, dễ nhớ, dễ thuộc: Chị ngã, em nâng; Đi chào, về hỏi; Một điều nhịn là chin điều lành; Đám ăn tìm đến, đám đòn tìm đi… 

Còn nếu muốn có vần, có điệu, ngân nga, trầm bổng thì thử nghe câu này xem nhạc tính có ăn đứt thơ kỹ năng sống không nhé: “Trăm năm ở với người đần, không bằng một phút sống gần người khôn”. Vài ví dụ trên, tôi nghĩ rằng, biết bao đời nay người cụ, người bà, người mẹ nào cũng răn dạy con cháu mình mà đâu có lạc hậu, vẫn đầy kỹ năng sống đấy thôi. 

Cho nên “Trăm năm ở với người đần, không bằng một phút sống gần người khôn”, chả sai chút nào. 

Đừng đẩy lòng nhiệt tình đến trò lố. 

Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Thời Nay, báo Nhân Dân. Đánh giá tập “Quà cho con”, ông Hưng gọi là “nhiệt tình khó hiểu” cộng với sự vụng về. 

“Đây là một “tập thơ” rất tệ về chất lượng. Hầu khắp các bài, các đoạn chỉ là sự ghép vần, “cưỡng vần” cho những lời nói thông tục. Theo ông Hưng, dùng hình thức thơ, văn vần để đùa vui trong cuộc sống là một chuyện. Nhưng khi biến những lời lẽ thô tháp, lủng củng thành xuất bản phẩm, in bán hàng loạt thì những ảnh hưởng không tốt, sẽ góp phần kéo lùi thẩm mỹ người đọc. 


Theo Nông Nghiệp Việt Nam