Giáo dục Việt Nam đang “ngồi ghế nóng” trên các phương tiện truyền thông, trong nghị trường Quốc hội, thậm chí trong các bữa cơm gia đình. Hàng loạt những vụ việc tai tiếng trong lĩnh vực giáo dục đăng tải trên báo chí đã đưa dư luận hết dạt đến góc nhìn này lại sang góc nhìn khác, nhưng phần lớn, kết cục là tiếng thở dài.
Dù trước đó, từng có một nhà lãnh đạo đất nước mong muốn các nhà nghiên cứu giáo dục tìm đường bằng câu hỏi “Triết lý của giáo dục Việt Nam là gì?” Hay gần đây, việc đổi mới giáo dục là câu chuyện cơm bữa của các nhà giáo có cả tâm, cả tầm (nói theo ngôn ngữ chung).
Món quà lớn nhất dành cho nhà giáo chính là sự thành nhân của học trò. Ảnh: Hồng Thái |
Nhưng câu chuyện vĩ mô của giáo dục Việt Nam chỉ có thể đặt ra nếu được bắt đầu từ hạ tầng, và cụ thể hơn cả, cấp thiết hơn cả là chính sách lương đủ sống để có thể cải thiện được hoàn cảnh có phần não nề và cơ khổ hiện nay của những người tham gia sự nghiệp trồng người.
Lương không đủ sống, các thầy cô phải kiếm thêm. Chính từ nhu cầu kiếm thêm chính đáng này đã nảy sinh biết bao hệ luỵ. Từ xấu hổ khi phải kiếm thêm cho đến chai lỳ, xem điều này là hiển nhiên, là xu hướng, tiến trình này được gọi là sự tha hoá của tinh thần. Nên những món quà mang tính tinh thần của học trò như bó hoa, tấm thiệp vẽ tay với lời chúc thương yêu chân thành dần dần trở thành chiếc phong bì hay những món quà đắt tiền để “bù đắp” công sức thầy cô. Cái cảm giác muốn bù đắp và được bù đắp này, ban đầu chỉ đơn giản là trả ơn. Nhưng sau đó khi giá trị bù đắp tăng lên, nó lại mang ý nghĩa khác đi, và ngày nay, trong xã hội mọi thứ đều được trả và định giá bằng tiền, người ta có thể gọi đó là một hình thức vụ lợi, chẳng khác nào... hối lộ.
Hành động lo lót, chạy tiền trong giáo dục hiện nay còn nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào. Chính vì không gọi đúng tên và nguỵ tạo cho nó những ý nghĩa sòng phẳng của đời sống như “Cô giáo bỏ công cho con tôi nhiều hơn thì tôi trả tiền cô giáo”, người ta lờ đi và tiếp tục thực hiện, lâu dần trở thành tự nhiên, thành chuyện bình thường!
Trở lại với chuyện tặng quà ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Đã có rất nhiều phụ huynh phân vân với chuyện chọn quà nào cho vừa lòng giáo viên của con họ nhất. Để rồi sau đó, trong các quán càphê, các buổi trà đàm, họ lại tự phê phán việc mình mới làm sau khi đã kể ra một lô lốc những ký ức về thầy trò xa xưa, cái thời mà chỉ cần một đoá hoa, cô cũng đãi cả lớp một chầu bánh trái ngon miệng, thời mà chỉ cần một tấm thiệp vẽ tay cũng làm thầy phát khóc…
Phỏng vấn một nhà giáo tuổi thất thập, cô tâm sự: “Một điều đặc biệt của lớp thầy cô giáo thế hệ tôi là: cứ vào ngày Nhà giáo, các thầy cô lại đến nhà học sinh cũ để thăm hỏi, nhất là đến với những em nhà nghèo, đau bệnh, tật nguyền, những em gặp rủi ro, va vấp, cần sự chia sẻ, cảm thông; nhiều hơn là các em học sinh cũ đến với thầy cô”.
Cũng có những học trò giờ tóc đã đổi màu như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thổ lộ: “Ngày Nhà giáo tôi vẫn đến thăm thầy cũ của mình, chẳng mang gì theo vì thầy tôi chưa bao giờ nhận quà. Với thầy, chúng tôi là niềm tự hào, sự “thành nhân” của tôi là món quà quý giá thầy tôi nhận được”.
Có món quà nào lớn hơn sự thành nhân của học trò đối với thầy cô đã dạy dỗ mình? Bất kỳ một nhà giáo nào khi được tin học trò mình thành công trong cuộc đời, đều có cảm giác hạnh phúc và sung sướng vì từng là người thầy của họ.
Hy vọng sự thay đổi sắp tới của ngành giáo dục sẽ là một món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô năm nay. Hy vọng lương nhà giáo sẽ được tăng gấp đôi, gấp ba, giúp thầy cô đủ sống, và nhờ đó phụ huynh, học trò cũng được… thanh thản hơn vì không phải bất chấp đạo lý để biến thầy cô trở thành những người đáng thương khi phải nhận những món quà xuất phát từ lòng vụ lợi.
(Theo Ngân Hà/ Sài Gòn Tiếp Thị)