Với số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi, xuất sắc lên tới 90% ở một số trường ĐH, CĐ, báo Tuổi trẻ nêu ra vấn đề về chất lượng "thực sự" của việc đào tạo.
Tờ báo dẫn lời đánh giá của một thạc sĩ đang giảng dạy tại ĐH công lập: “Qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, tỉ lệ sinh viên giỏi thật ở các trường ĐH công lập và ngoài công lập là rất ít, số sinh viên khá cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Trong khi đó, sức học thực của sinh viên đạt loại trung bình khá và trung bình luôn chiếm đa số”.
Một vị tiến sĩ khác lại cho rằng, sinh viên đạt mức điểm cao như trên là do có sự "du di" trong việc cho điểm. Theo vị tiến sĩ này, đánh giá sức học của sinh viên phải "hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt sinh viên".
Một số giảng viên khác lại đề cập tới tâm lý "ngại cho điểm kém" vì sợ điểm số của sinh viên sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà trường, qua đó tác động trực tiếp lên hợp đồng giảng dạy với giáo viên.
Những ý kiến trên đây đưa ra khi con số sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc tại các ĐH, CĐ nở rộ.
Năm học vừa qua, 97% sinh viên trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng, tỉ lệ này cao nhất vẫn thuộc lại thuộc về trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), với 98,6%.
Tờ báo dẫn lời ông Trần Minh Dũng - trưởng ban thuyền viên Tổng công ty Vận tải dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc tại nhiều trường hiện nay “không thực chất lắm và đôi khi được trường tạo điều kiện”.
Ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp tuyển dụng hiện nay chú trọng nhiều tới tác phong, thái độ trong công việc, và không đặt nặng chuyện bằng tốt nghiệp loại ưu.
“Sinh viên ra trường, có bạn xếp loại trung bình, có bạn khá, giỏi nhưng các bạn thường na ná như nhau” - bà Nguyễn Thị Minh Tâm - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng - nhận định.
Cải cách giáo dục
Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng giáo dục trong nước vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đổi mới hay cải cách không đơn thuần là khác biệt về câu chữ"- nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình |
Bàn về đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, muốn thực hiện việc này, nhất thiết phải một cuộc cải cách giáo dục.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đổi mới hay cải cách không đơn thuần là khác biệt về câu chữ" - bà Bình nói.
"Hiện nay, tồn tại một thực trạng là đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ. Điều đó diễn ra khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và SGK thì đổi mới ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện...
Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục” - tờ báo trích lời của nguyên phó Chủ tịch nước.
Về vấn đề này, Giáo sư Hoàng Tụy đề đưa ra bốn đề xuất để cải cách giáo dục hiện nay. Theo đó, hai vấn đề quan trọng nhất là cải cách cách học, thi cử và cải cách tiền lương cho giáo viên.
"Thi thì vẫn mãi là một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh" - báo Dân Việt trích dẫn bản đề xuất.
Nói về đội ngũ giáo viên, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng người thầy giáo trong ngành giáo dục của Việt Nam "mặc dù bị đối xử bất công, cả về tinh thần lẫn vật chất mà vẫn tận tụy gắn bó với nghề trong mấy chục năm qua".
Trong bối cảnh chính sách đối với người thầy giáo như vậy và kết quả giáo dục như ngày hôm nay, Giáo sư gọi đây là một "niềm tự hào đáng buồn nhất của giáo giới Việt Nam".
Theo Tuổi trẻ/ Đại Đoàn Kết/ Dân Việt