Ngày 4/9, nhà của Đ.L.L (quận Gò Vấp, TP.HCM) được gỡ giấy phong tỏa bởi các thành viên đã hoàn thành thời gian tự cách ly theo quy định, không còn ai dương tính nCoV.
Hơn một tháng qua, cuộc sống của gia đình cô phải đảo lộn khi lần lượt 12 người đều mắc Covid-19. Trong đó, người nhỏ tuổi nhất trong nhà chỉ mới 22 tháng tuổi. Người cao tuổi nhất là cha của L. (69 tuổi) lại nhiều bệnh nền, có triệu chứng nghiêm trọng nên phải nhập viện điều trị.
Thời điểm phải chở cha đi cấp cứu bằng xe máy và những ngày mất liên lạc sau đó là khoảng thời gian lo sợ nhất đối với cả gia đình cô.
Cha mẹ của L. đều có triệu chứng nặng, trong đó cha phải nhập viện cấp cứu. |
Cả nhà mắc Covid-19
L. cho biết anh trai mình là người xuất hiện triệu chứng bệnh đầu tiên với những cơn sốt dai dẳng. Mỗi 2 ngày sau đó, các thành viên trong nhà liên tiếp có tình trạng tương tự.
Gia đình lo lắng, đặt mua bộ kit test Covid-19 về xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 12 người đều đã dương tính SARS-CoV-2.
"Ngày 28/7, chúng tôi test nhanh tại nhà và thấy 12 kết quả đều dương tính. Nhà tôi có 6 người lớn, 4 trẻ em và 2 ba mẹ già. Khi các con đã đều nhiễm bệnh cũng là lúc ba mẹ tôi trở nặng rất nhanh. Tôi lo lắng, gọi điện đến các bệnh viện xin được cấp cứu mà mọi nơi đều đã quá tải, nói rằng chỉ nhận bệnh nhân nguy kịch mà thôi", L. kể lại.
Gia đình cô nhờ đến sự hỗ trợ từ xa của một bác sĩ thông qua điện thoại. Vị bác sĩ hướng dẫn các thành viên cho cha thở máy, đo các chỉ số sức khỏe và sử dụng thuốc đúng liều lượng. Tuy nhiên, tình trạng của ba vẫn tiến triển xấu, ông da dẻ xanh xao và không thể đứng vững.
Đến sáng 14/8, ba của L. khó thở trầm trọng, gia đình được bác sĩ và trung tâm y tế địa phương yêu cầu phải đưa ông nhập viện gấp. Không gọi được xe cứu thương, 2 thành viên trong nhà quyết định chở cha đến Bệnh viện Gia Định bằng xe máy.
"Đến bệnh viện, ba tôi rất yếu, được đưa vào cấp cứu ngay. Các bác sĩ nói người nhà ra về chờ tin tức. Dù ba đã vào viện kịp thời nhưng gia đình tôi vẫn rất lo, ba đi không mang theo điện thoại, không ai có thể liên lạc được gì", L. cho hay.
Cha của L. gọi điện về nhà nhờ điện thoại của người bệnh cùng phòng. |
Ngày hôm sau, các thành viên lòng như lửa đốt vì không biết được tin về cha. Dù tất cả đều đang trải qua cơn sốt và ho nhiều, nhưng vẫn cố gắng nghe ngóng. Đến khoảng 20h cùng ngày, từ bệnh viện, cha của L. mượn được điện thoại để gọi về nhà. Ông thông báo tình trạng đã ổn định, được chăm sóc tích cực.
Thế nhưng cùng lúc này, ở nhà, mẹ của L. lại là người tiếp theo trở nặng. Các thành viên lại cùng nhau chăm sóc cho mẹ. Nhờ có kinh nghiệm hơn từ lần chăm cha, mọi người đã bình tĩnh hơn.
"Biết ba đã an toàn, chúng tôi yên tâm, dồn tâm sức lo lắng cho mẹ. Mẹ tôi khó thở, chúng tôi đo nồng độ oxy trong máu cho mẹ liên tục. Các thành viên thay nhau cho mẹ uống nhiều nước, xông nước gừng, sả, tẩm bổ cho mẹ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng. May mắn, mẹ không bị nặng như ba", L. cho biết.
Những người lớn tự chăm nhau
Sau 8 ngày nằm viện, cha của L. được về nhà. Ông vẫn còn mệt, được các con chăm sóc và giúp tập cai máy thở.
Khi cha mẹ đều tiến triển tích cực, các thành viên khác trong nhà cũng lần lượt hồi phục. Trước đó, dù cả nhà mắc bệnh, họ vẫn cùng nhau lo lắng cho cha mẹ, trông những đứa trẻ và cùng nấu cơm.
L. cho biết gia đình cô được bạn bè, lối xóm hỗ trợ mua thực phẩm đặt trước cửa nhà. Do vậy suốt thời gian dài không thể mua sắm, nhà cô vẫn đầy đủ thức ăn và đồ dùng thiết yếu.
Khi về nhà, cha của L. vẫn được các con theo dõi cẩn thận. |
"Những người lớn trong nhà không bị nặng như ba mẹ nhưng cũng khổ sở lắm, sốt mệt lả người", L. nói. Cả gia đình cô đã hỗ trợ lẫn nhau, gửi các phương pháp tự điều trị để cùng thực hiện. Trong khi đó, các cháu nhỏ không có nhiều triệu chứng.
"Lúc biết tin cả nhà nhiễm bệnh, tôi thật lòng không quá lo lắng bởi cả nhà đều đã tìm hiểu các thông tin về căn bệnh. Chúng tôi chỉ rối ren khi ba phải nhập viện mà thôi. Nhưng giờ đây, chúng tôi yên tâm cả rồi", L. chia sẻ.
Khi đã cùng gia đình chiến thắng Covid-19, L. cho rằng căn bệnh sẽ không quá nguy hiểm nếu như mỗi gia đình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thuốc, thiết bị y tế cũng như kiến thức chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu trong nhà có người cao tuổi, mọi người cần kiên nhẫn và cẩn trọng hơn.
"Ba mẹ tôi thay đổi tính khí khá nhiều do khó chịu trong người, họ không tin mình đã mắc bệnh nên không hợp tác. Chúng tôi phải năn nỉ, khuyên nhủ, thậm chí là bắt ép ba mẹ dùng thuốc mà vẫn không được.
Đến cuối cùng chúng tôi phải nói nặng rằng 'Ba mẹ có thương các con không? Nếu thật sự thương yêu con cái, ba mẹ hãy vì chúng con mà làm theo hướng dẫn của bác sĩ'. Nói vậy, ba mẹ tôi mới chịu nghe", L. tâm sự.
Theo Zing
Cả nhà F0, vợ nằm viện chữa Covid-19 cho chồng qua điện thoại
Covid-19 ập đến, cả 4 thành viên trong gia đình đều có kết quả dương tính, 2 người được đi cách ly còn 2 người ở lại phòng trọ. Qua điện thoại, họ đã dìu nhau vượt qua sóng gió.