Qualcomm, hãng sản xuất chip di động lớn nhất thế giới, mới đây vừa bị Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) tố ép buộc Apple để "Táo khuyết" chỉ được dùng chip của Qualcomm trên iPhone. Đổi lại, công ty sẽ giảm phí bản quyền cho các bằng sáng chế thuộc sở hữu của Qualcomm mà Apple sử dụng trên các thiết bị của mình. Hành vi này được cho là vi phạm luật cạnh tranh khiến các đối thủ của Qualcomm (là Intel) vốn đã bị yếu thế lại càng khó khăn hơn.  

"Qualcomm nhận ra rằng, bất kỳ đối thủ nào của mình nếu được Apple chọn lựa sẽ lại mạnh thêm, và hãng đã dùng sự độc quyền để ngăn không cho Apple hợp tác với các đối thủ" - FTC cho biết. 

Sự vụ này là một trong số hàng loạt các tố cáo mà Qualcomm gặp phải trong vài năm qua. Tháng trước, Uỷ ban Công bằng thương mại Hàn Quốc cũng đã ra án phạt 850 triệu USD với Qualcomm vì "duy trì mô hình kinh doanh không công bằng" và tạo ra một thế độc quyền trên thị trường. Hồi tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc phạt Qualcomm gần 1 tỷ USD với cáo buộc tương tự.  

Cũng theo FTC, các bằng sáng chế mà Qualcomm nắm giữ là bằng sáng chế tiêu chuẩn cơ bản - các công nghệ thuộc dạng thiết yếu cho ngành công nghiệp và phải được cấp phép cho các đối thủ theo điều khoản "công bằng, hợp lý, và không phân biệt"(FRAND). Tuy nhiên, đơn kiện của FTC viết rằng, Qualcomm liên tục từ chối cấp bản quyền một số bằng sáng chế này cho hãng chip đối thủ, vi phạm cam kết FRAND. Trong khi đó, các khách hàng của Qualcomm chấp nhận phí bản quyền cao và các điều khoản bản quyền khác vốn không phản ảnh đúng thẩm định của toà án hoặc thẩm phán về "công bằng và hợp lý". 

Qualcomm cũng phản hồi với đơn kiện, nói rằng kết luận của FTC dựa trên "lý thuyết luật có lỗ hổng". "Qualcomm không bao giờ từ chối hay đe doạ từ chối cung cấp chip để có được thoả thuận với các điều khoản cấp phép không công bằng, không hợp lý. Cáo buộc của FTC, ngược lại, là hoàn toàn sai".

Apple hiện chưa có bình luận gì, trong khi đó giá cổ phiếu của Qualcomm giảm nhẹ 4% xuống 64,19 USD sau tin tức trên.