Có mức giá khá cao so với các cửa hàng khác - 18.000 đồng/chiếc bánh bao nhưng nhiều năm qua, bánh bao Bà Mậu (nay đổi tên thành Bánh bao Phát Đạt) vẫn được lòng du khách Thủ đô.

Thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán bánh bao này nổi tiếng với cái tên "bánh bao chờ" hay "bánh bao chảnh".

Một thực khách quen của bánh bao Bà Mậu chia sẻ: "Trước đây, tôi hay căn giờ quán mở bán để ra mua bánh bao nóng hổi. Tầm 7 giờ sáng hay tan tầm 16 - 17 giờ chiều, bánh chỉ ra lò được 5, 10 phút là hết veo. Học sinh, phụ huynh ngôi trường gần đây xếp hàng dài chờ mua bánh. Tới muộn một chút thì lại phải đợi thêm 15 - 20 phút mới có mẻ bánh mới".

{keywords}

Bánh bao bà Mậu làm theo công thức riêng nên hương vị "có một không hai". Vỏ bánh dày, đặc ruột, hơi dai dai và phả lên mùi thơm của bột. Chiếc bánh khá to, vừa cái bát ô tô nhỏ, với nhân đầy đặn, đủ mộc nhĩ, miến, nấm hương, thịt lợn, trứng cút...

"Bánh bao ở đây thơm, ngon lắm. Chủ quán mở nắp nồi hấp ra là mùi thơm thoang thoảng. Chiếc bánh to, đầy đặn nên mình ăn no căng bụng. Thường mình và 2 bé chỉ ăn được hết 2 chiếc", chị Thảo Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

{keywords}

Bánh bao làm tới đâu bán tới đó nên luôn thơm phức, nóng "bỏng tay

{keywords}

Bánh to, nhân đầy đặn, rất thơm

Bánh bao bà Mậu đã mở cửa được 30 năm. Hiện giờ, quán bánh được duy trì bởi con trai út của bà là anh Nguyễn Thế Hoạt, cùng vợ là chị Tống Thị Kim Thanh. Hàng ngày, anh chị đều đặn mở bán 2 lần từ 7 giờ sáng đến trưa và từ 15 giờ chiều đến 19 giờ tối.

"Trước đây mẹ tôi làm việc trong một công ty ăn uống. Khi về hưu, bà bắt đầu làm bánh bao để kiếm thêm thu nhập", anh Hoạt cho biết. Hồi đó, bà Mậu làm bánh bao rồi gánh ra chợ Hàng Bè - "khu chợ nhà giàu" của Hà Nội để bày bán. Những chiếc bánh bao nóng hổi, nhân thơm, ngon của bà được lòng thực khách, giúp bà có tiền trang trải cuộc sống, nuôi mấy người con ăn học. Sau này, khi tuổi cao, bà chuyển về bản tại nhà ở số 8 ngõ Nguyễn Hữu Huân.

{keywords}

Anh Hoạt được mẹ truyền công thức làm bánh bao cho

Theo chia sẻ của anh Hoạt, để thực hiện một chiếc bánh bao cần rất nhiều thời gian, từ khâu trộn bột, men sao cho vỏ bánh trắng, dẻo, đặc ruột; chọn nguyên liệu mộc nhĩ, thịt, trứng, nấm hương đều phải tươi, ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

"Từ tờ mờ sáng vợ chồng tôi đã nhận nguyên liệu để sơ chế, sau đó làm bột. Thời gian ủ bột, nặn bánh thủ công rất lâu. Trước đây, khách hay nói quán tôi chảnh, cứ để khách chờ lâu. Nhưng thực tế, hai vợ chồng làm không ngơi tay, một ngày cũng chỉ đủ 200 chiếc. Được mẻ nào chúng tôi mở bán mẻ đấy", anh Hoạt cho biết.

{keywords}

Bánh ngon, được lòng thực khách nên lâu nay, nhiều người tìm đến mua công thức hay mua số lượng lớn để bán buôn. Thế nhưng, anh Hoạt đều từ chối. "Vợ chồng tôi muốn thực hiện nguyện vọng của mẹ. Bà muốn đây là thứ bánh gia truyền. Mỗi chiếc bánh phải ngon nhất, chất lượng nhất khi đến tay thực khách chứ không vì kinh tế mà làm cẩu thả, làm "công nghiệp" số lượng lớn", anh Hoạt cho hay.

{keywords}

Anh Hoạt cũng phân bua: "Tôi có chảnh đâu mà thực lòng vợ chồng tôi muốn làm cẩn thận để khách được ăn bánh ngon, chất lượng. Chúng tôi lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ với khách mà".

Anh Hoạt cho biết, hiện giờ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường học xung quanh đóng cửa, lượng khách giảm đi rõ rệt. Mỗi ngày, vợ chồng anh chỉ làm và bán từ 100 - 150 chiếc. Sắp tới, ngày Rằm hay 23 tháng Chạp thì anh chị sẽ làm nhỉnh lên để phục vụ thực khách mua làm đồ cúng.

"Nhiều khách hàng ngại chờ đợi buổi sáng thì sẽ đến mua vào chiều muộn, mang về nhà để tủ lạnh và tự hấp nóng lại vào sáng hôm sau. Họ nói, bánh để tủ ăn sẽ không ngon bằng tại quán nhưng đỡ lo "chờ mà hụt", anh Hoạt kể.

{keywords}

Quán bánh bao 30 năm nhưng vẫn được lòng thực khách

Minh Khôi