Một nhóm quan tòa Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thông qua các yêu cầu về một bản án lên tới 18.000 năm tù giam đối với cựu lãnh đạo và các quan chức thuộc lực lượng quốc phòng Israel.
Tàu Mavi Marmara (màu xanh) trên đường trở về Israel vào ngày 5/8/2010 |
Bốn quan chức này đối mặt với 9 bản án chung thân - mỗi người một bản án cho những người thiệt mạng trên tàu Mavi Marmara vì đã 'kích động giết người một cách tàn ác và bằng cách tra tấn" - hãng thông tấn nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ là Anadolu cho biết. Tổng cộng, mức hình phạt trong bản án này lên tới 18.000 năm tù.
Bản cáo trạng cũng đề cập tới 490 nạn nhân và những người đưa đơn kiện, bên cạnh đó còn có 189 người khác bị thương trong suốt đợt đột kích.
Còn tại Israel, Trung tướng Gabi Ashkenazi cùng với các cựu lãnh đạo hải quân, tình báo không quân và tình báo quân đội Eliezer Marom, Amos Yadlin và Avishai Levi không bị coi là tội phạm chiến tranh. Do đó, có thể họ sẽ không bị đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ để chịu án. Tuy nhiên, đây vẫn là một động thái mang tính tượng trưng khi xử tội vắng mặt những nhân vật này.
Phiên tòa ở Istanbul cũng nhất trí kết án thêm một số binh sĩ không rõ danh tính tham gia tấn công đội tàu.
Năm 2010, đội tàu tới Gaza gồm có 6 tàu nhằm vận chuyển 2.000 tấn lương thực viện trợ cho dải Gaza, bao gồm thuốc, lương thực và vật liệu xây dựng. Trên đội tàu còn có 600 nhà hoạt động nhân quyền.
Israel khi đó đang phong tỏa Gaza vì 'lý do an ninh', và yêu cầu đội tàu chuyển hướng. Đội tàu đã bác bỏ yêu cầu này và các binh lính Israel tiến hành cuộc đột kích. Israel nói rằng binh sĩ của họ hành động vì tự vệ khi một số nhà hoạt động tấn công bằng cách ném rìu, dao và gậy.
Một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc đối với vụ việc này cho thấy quân đội Israel không vi phạm bất kỳ luật nào, nhưng kết luận rằng việc Isreal giết hại 8 nhà hoạt động người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Mỹ gốc Thổ là 'không thể chấp nhận được'.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ các kết quả điều tra này, và kiên quyết rằng Israel không có quyền tấn công con tàu trong vùng biển quốc tế. Để đáp lại cuộc tấn công này, Ankara đã yêu cầu Tel Aviv phải xin lỗi và đền bù cho những người đã thiệt mạng như một điều kiện để tái thiết lại quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, Israel chỉ bày tỏ rằng họ rất tiếc vì đã gây nên thương vong.
- Lê Thu (theo RT)