- Xã hội càng phát triển thì nhu cầu đầu tư vào việc học của thế hệ trẻ càng lớn, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, muốn đầu tư giáo dục quốc tế tốt không hề đơn giản bởi nhiều lý do.

Xu thế bán bằng cấp tại Việt Nam

Có thể nhiều người còn nhớ một số câu chuyện xung quanh chủ đề "Không học hoặc học rất ít nhưng vẫn có bằng quốc tế" hẳn hoi.

Có thể kể đến câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ với bằng Tiến sỹ tại trường Southern Pacific University (Mỹ), mặc dù ông này chỉ tự học bằng tài liệu tiếng Việt. Hay nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị phanh phui vụ bằng cấp "dỏm" thì rõ ràng đây là một thực trạng nhức nhối trong xã hội.

Ở phía "bán bằng quốc tế", các sơ sở giáo dục thường có mức lợi nhuận rất cao với các lý do như không cần đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chương trình, giáo viên; không có phòng lab, thư viện, sân chơi, câu lạc bộ cho hoạt động của sinh viên như các trường đại học chuẩn khác; không đầu tư cho nghiên cứu.

Tại các trường đại học lớn, hàng năm trường phải dành một khoản chi phí không nhỏ để mời các giáo sư đầu ngành về làm việc và đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học. Trường cũng phải lo kinh phí cho giáo sư tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học uy tín nhằm xây dựng các mối quan hệ, quảng bá và nâng cao hình ảnh của trường trong mắt bạn bè, cộng đồng khoa học.

{keywords}
Nạn mua bán bằng cấp gây nhức nhối trong xã hội

Ngoài ra, các cơ sở bán bằng cấp duy trì rất ít nhân viên. Có tổ chức được mệnh danh là "máy xay bằng" đã từng được biết đến ở Việt Nam chỉ có tổng số nhân sự cơ hữu... 5 người, gồm một hiệu trưởng và bốn nhân viên!

Tại các trường chuyên bán bằng cấp (tiếng Anh gọi là "diploma mill"), bằng được cấp "thoải mái" cho sinh viên mà hầu như không cần phải học và nghiên cứu. Sinh viên có địa vị, có tiền vẫn có thể được yêu cầu mua sách, làm bải kiểm tra và nộp báo cáo nhưng cũng chỉ làm cho có. "Trò" rất hiếm khi được gặp "thầy". Các nhận xét, đánh giá "thầy" đưa ra cho báo cáo cũng ít liên quan đến nội dung bằng được cấp. Đôi khi, các "giáo sư" chỉ có một nhiệm vụ là viết lời khen tặng cho sinh viên các mục đích sau này.

Một số cơ sở lợi dụng hình thức học trực tuyến (online) để cắt giảm số giờ lên lớp mà không bị người ngoài phát hiện cũng như che lấp những khiếm khuyết về cơ sở vật chất.

Tuy nhiên. hiện nay xu thế này đã giảm bớt, do sự hiểu biết của người dân đã tăng lên cùng với uy tín hoạt động của nhiều trường đại học quốc tế có phân hiệu tại Việt Nam.

Giáo dục quốc tế chất lượng cao: Nan giải?

Nguyên nhân đầu tiên, theo TS Đàm Quang Minh, thuộc Tổ chức Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IAE), là do số lượng học sinh đáp ứng nhu cầu đầu vào không nhiều. Vấn đề này chủ yếu nằm ở khả năng ngoại ngữ, bởi một chương trình tốt sẽ yêu cầu người học có đủ trình độ ngoại ngữ nhất định để đọc hiểu tài liệu, viết báo cáo và giao tiếp với bạn bè, giáo sư đến từ các quốc gia khác. Cần nhớ rằng, trình độ tiếng Anh của người Việt Nam vẫn được xếp vào mục thấp nhất cùng với Indonesia theo tổ chức Asian Scientist.

{keywords}

Muốn đầu tư giáo dục quốc tế tốt không hề đơn giản bởi nhiều lý do.

Theo TS Minh, chi phí tài chính cho một chương trình quốc tế vẫn còn khá cao so với đại bộ phận người dân Việt Nam, còn các gia đình khá giả sẽ chọn du học cho con em họ. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh không đủ thông tin để phân biệt giữa trường tốt/trường bình thường/trường kém chất lượn. Bằng chứng là có rất ít người phân biệt được chất lượng của các trường mang danh "quốc tế".

Cơ chế Nhà nước còn gây khó khăn trong triển khai, thể hiện qua Điều 24 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP giới hạn số học sinh Việt Nam được tuyển ở cấp tiểu học và trung học cơ sở là 10% tổng số học sinh trường và 20% ở THPT.

Về mặt thị trường lao động, các công ty vẫn chưa thực sự đánh giá cao sự khác biệt giữa bằng cấp của trường tốt với bằng cấp của các trường bình thường.

Việc kiểm tra chất lượng bằng cấp của ứng viên chưa được quan tâm đúng mực, việc tìm kiếm nguồn giáo viên đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn. Tất cả các nguyên nhân trên góp phần khiến nhiều trường quốc tế gặp thất bại.

Có thể kể tới vụ Trường Melior, Singapore (11/2012) đột ngột đóng cửa, giám đốc biến mất khiến hàng trăm phụ huynh, học sinh hoang mang, "mất trắng" cả tiền bạc lẫn giấy tờ. Trường Raffles, Úc (1/2012) có "tiền sử" đào tạo không phép từ năm 2006 và đến 1/2012 bị Bộ GDĐT buộc dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo.

Tuy nhiên, trên thị trường giáo dục đã ghi nhận một vài trường hợp có những thành công nhất định về chất lượng đào tạo và tài chính và danh tiếng như: RMIT hay Broward College.

Tuy nhiên, các cơ sở đầu tư giáo dục quốc tế có uy tín và đã được công nhận như RMIT và Broward College vẫn chưa nhiều. Điều này chứng tỏ, "miếng bánh" giáo dục quốc tế tuy lớn nhưng không phải dễ nuốt.

Minh Hải