Câu chuyện quản lý "rượt đuổi" theo giá xăng chưa thể chấm dứt vì cơ chế điều hành giá xăng dầu còn nhiều bất cập. Cho nên, cơ quan quản lý mới chỉ xử lý theo vụ việc, chưa có giải pháp tổng thể - TS Nguyễn Đình Cung.
Nhà nước không buông giá xăng dầu
Cơ chế giá xăng dầu thay đổi nửa vời
Cơ chế điều hành giá xăng: Mỗi bộ một ý
Giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh song giá xăng dầu trong nước vẫn "ngự" trên đỉnh. Phải thiết lập thể chế giám sát thị trường hoạt động độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước, với doanh nghiệp mới tính đến chuyện điều chỉnh giá xăng dầu một cách khả thi, linh hoạt
Cơ chế điều hành đang không thể theo kịp giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới đang quay đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trên 130 USD/thùng (xăng dầu thành phẩm) và gần 100 USD/ thùng (dầu thô), song giá xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn "ngự" trên đỉnh.
Doanh nghiệp chỉ hòa vốn
Tại thị trường Singapore, giá xăng A92 trong ngày 18-9 giảm xuống còn 121,87 USD/thùng (giảm gần 4 USD so với phiên giao dịch trước đó). Giá dầu hỏa cũng giảm khoảng 4 USD (chỉ còn 131,96 USD/thùng). Tại phiên giao dịch ngày 20-9, giá xăng A92 tiếp tục giảm xuống 118,22 USD/thùng; dầu hỏa giảm còn 127,15 USD/thùng. Các mặt hàng diesel, ma dút cũng giảm khá mạnh. Giá dầu thô thế giới hôm 20-9 cũng giảm về mức 91 USD/thùng, giảm gần 6 USD.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, mức hạ nhiệt của thế giới chưa đủ để giảm giá bán lẻ trong nước. Vì từ ngày 11-9, Bộ Tài chính giảm 2% thuế nhập khẩu và tăng thêm 200 đồng xả quỹ bình ổn trên mỗi lít/kg đối với các mặt hàng dầu; đồng thời tăng mức xả quỹ bình ổn, không cho doanh nghiệp tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít trong giá cơ sở nên mặc dù đã sử dụng hết các công cụ bình ổn giá nhưng vẫn chưa tạo được khoản chi phí đủ làm cân đối lại giá nhập khẩu và giá bán lẻ.
Một trong những cây xăng trên Quốc lộ 18 đóng cửa nghỉ bán trong ngày 21-9. Ảnh: THẾ DŨNG Doanh nghiệp vẫn chưa có lãi vì giá bán ra cơ bản là tương đương với giá nhập vào. Mặt khác, giá dầu thế giới mới giảm được 3 ngày nên tính giá cơ sở theo 30 ngày gần đây, doanh nghiệp mới tạm hòa vốn chứ chưa đủ cơ sở để giảm giá bán lẻ.
Một doanh nghiệp cho biết hiện nay, chi phí định mức 600 đồng trong giá cơ sở chỉ vừa đủ cho doanh nghiệp bù đắp hao hụt, chi phí quản lý, khấu hao, vận chuyển. Do đó, mức hoa hồng của các đầu mối chiết khấu cho đại lý đang xuống khá thấp, chỉ được 250 - 300 đồng/lít trong khi mức chiết khấu ở thời điểm bình thường là 400-500 đồng/lít.
Xử lý theo vụ việc
Mặc dù giá thế giới giảm nhưng diễn biến trên thị trường xăng dầu trong nước chưa hết căng thẳng. Hiện tượng cây xăng tiết giảm thời gian bán hàng vì hoa hồng thấp, không có lợi nhuận lại đang tái diễn ở một vài nơi. Nếu vấn đề chi phí không được giải quyết sẽ có thể làm cho hiện tượng này trở nên phổ biến.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng câu chuyện quản lý "rượt đuổi" theo giá xăng chưa thể chấm dứt vì cơ chế điều hành giá xăng dầu nói chung và giá các mặt hàng độc quyền nói riêng còn nhiều bất cập. Cho nên, cơ quan quản lý mới chỉ xử lý theo vụ việc, chưa có giải pháp tổng thể.
"Cứ điều chỉnh như vừa qua, xã hội không có niềm tin, không biết đúng sai thế nào"- TS Nguyễn Đình Cung cảnh báo. Theo ông Cung, cần thiết lập một thể chế giám sát thị trường, hoạt động độc lập với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như độc lập với doanh nghiệp để thực hiện chức năng. Theo cơ chế hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là chủ sở hữu doanh nghiệp nhưng lại đồng thời vừa là người quyết định số lượng nhập, giá bán vừa giám sát thị trường thì không thể bảo đảm khách quan. Cần tách các chức năng này ra mới tạo được thị trường, cân bằng quyền lực trên thị trường. Khi đó mới tính đến chuyện điều chỉnh giá hay các hành vi khác trong quá trình hoạt động.
Bài học cạnh tranh của thị trường viễn thông, theo TS Nguyễn Đình Cung, luôn có giá trị đối với lĩnh vực điện lực và xăng dầu. Chỉ khi tách hệ thống phân phối ra khỏi doanh nghiệp độc quyền để trở thành "tài sản chung", hoạt động không vì lợi nhuận như đối với đường truyền viễn thông, thị trường mới có tính cạnh tranh vì khi đó, doanh nghiệp bán xăng, bán điện sẽ được tự do tham gia vào hệ thống. Nếu hệ mạng truyền tải điện quốc gia hay phân phối xăng dầu nằm trong một cơ quan độc quyền thì sẽ tiếp tục dẫn đến các độc quyền khác, làm méo mó giá cả và thậm chí có thể gây thiếu hụt nguồn cung.
(Theo NLĐ)