Các quan chức ở độ tuổi cuối 50, cận kề giai đoạn nghỉ hưu nhiều khả năng bị suy thoái, biến chất vì tham nhũng nhất, theo một báo cáo mới đây của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS).


{keywords}

Tháng 12 năm ngoái, cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu của Trung Quốc đã tiết lộ chi tiết về 123 quan chức bị giáng chức thuộc các bộ, ban, ngành, tập đoàn nhà nước và công ty quốc doanh. Một nửa số này nằm trong độ tuổi từ 51 - 60.

Báo chí chính thống của Trung Quốc đưa tin, ông Li Dongsheng, cựu Thứ trưởng Công an, đã bị điều tra từ cuối năm ngoái vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (cụm từ thường dùng để ám chỉ đến các cáo buộc tham nhũng) khi ông 58 tuổi. Hội đồng Nhà nước hôm 24/2 chính thức tuyên bố sa thải ông Li.

Cũng trong tháng 12/2013, ông Chen Anzhong, cựu Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Giang Tây, khi đó 59 tuổi, bắt đầu bị điều tra. Trước đó, hồi tháng 6/2013, Ni Fake, cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy cũng phải đối mặt với điều tương tự.

"Khi sắp về hưu, đồng nghĩa với thời điểm họ không còn quyền lực nữa, một số quan chức chính phủ muốn tận dụng cơ hội để thâu tóm lợi ích", Tian He, một thành viên nhóm biên soạn "Sách Xanh về hiệu lực của luật pháp", nhận định.

Theo tờ Pháp luật buổi tối, chuyên gia Tian đề xuất việc tăng lương hưu và thiết lập các cơ chế hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trước khi nghỉ hưu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi nạn tham nhũng là một đe dọa nghiệm trọng đối với sự tồn tại của đảng cầm quyền. Chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn ở nước này vẫn đang tiếp tục.

Kể từ tháng 1 năm nay, 79 quan chức nhà nước đã bị điều tra hoặc xử phạt, bao gồm cả Ji Jianye - cựu thị trưởng Nam Kinh, và Ji Wenlin - cựu phó tỉnh trưởng Hải Nam.

Báo cáo của Viện CASS đã chỉ ra những sơ hở trong việc thực thi luật đối với các mối quan hệ mờ ám giữa giới doanh nhân giàu có và quan chức chính phủ. Một giải pháp được đưa ra là cần phải công khai các báo cáo tài chính.

Thêm vào đó, báo cáo cũng đánh giá các toà án khắp Trung Quốc về mức độ minh bạch, nhưng cho phép các tòa án chỉ cần đạt 15/81 điểm là "đạt chuẩn". Kết quả là, Tòa án nhân dân tối cao Thượng Hải xếp ở vị trí đứng đầu, trong khi Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc chỉ đạt vị trí thứ 21.

Một số tòa án vẫn cho rằng, việc công khai các trường hợp liên quan đến những nhóm biểu tình sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định, cần công bố chi tiết của các vụ việc để tránh lan truyền đồn đoán.

Tuấn Anh (theo China Economic Net)