Đó là những Quán tự giác của người Mường Ao Tá ở đây, vốn được lưu truyền từ nhiều năm nay, với tinh thần tự giác mua, tự giác trả tiền.
Quán thu hút sự chú ý của nhiều du khách. |
Theo người dân địa phương, những Quán tự giác này đã xuất hiện ở xóm Đá Bia từ khoảng 20 năm nay, sau những năm chiến tranh, kinh tế vất vả, khoảng vài năm trở lại đây người dân đã khôi phục trở lại những mô hình quán này. Những Quán tự nguyện này được biết đến nhiều kể từ khi Đá Bia đón nhiều khách du lịch. Trước đây, các nhà trong xóm ai có quả bí, nải chuối hay con gà đều bày ra quán, người mua tự định giá và để lại tiền. Tương truyền, nếu ai gian, không trả tiền mà cứ lấy hàng về sẽ không ra được khỏi xóm.
Quán tự giác được dựng lên bằng tre nứa, lợp rơm rạ hoặc mái lá, nhìn giống như một chiếc chòi nhỏ đơn sơ ven đường, bên trong bày biện hết sức đơn giản, vài bó măng, lọ măng ngâm, chiếc quạt đan, dăm củ khoai béo mập, quả ổi xanh mướt mát… Mỗi món hàng đều có “bảng giá” viết tay trên miếng giấy xé nhỏ, mùa nào thức nấy, giá loanh quanh chừng 10.000-50.000 đồng mỗi món, đắt nhất là hũ măng ngâm khoảng trên dưới 100.000 đồng.
Ở trong xóm, có bốn Quán tự giác như thế này, chủ yếu bán những đồ nông sản, sản vật của người dân tự trồng trọt, sản xuất ra như rau củ quả, trái cây trong vườn như ổi, bưởi, khế, mía, khoai, măng tươi, măng ngâm, măng khô, giỏ, quạt đan, rổ rá… Người mua cần gì cứ đến lấy, giá đã được viết tay trên tờ giấy vở học sinh dính sẵn trên mặt hàng, có sẵn một chiếc giỏ đựng tiền, mua gì cứ thả tiền vào giỏ, hoàn toàn tự giác. Cuối ngày, chủ hàng chỉ việc đến dốc giỏ thu tiền về.
Quán không chỉ của một người, chứa các mặt hàng của một chủ mà nhiều người đều có thể đặt hàng vào trong quán, cuối ngày ra xem món nào bán hết thì nhặt đúng từng đấy tiền về, không phải cộng trừ gì. Người mua và người bán cũng đều là dân trong xóm, mua bán theo nhu cầu nhưng cũng là niềm vui nho nhỏ của mỗi người.
Chị Đinh Thị Trang, người dân xóm Đá Bia cho biết, Quán tự giác là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, sau một thời gian bị mai một nay đã được khôi phục trở lại. Mẹ của chị là một trong những người khơi dựng lại mô hình quán này. Từ ngày những gian Quán tự giác này được lập nên, người dân trong xóm rất vui, vì không những Quán giúp tiêu thụ sản vật mà còn đem lại niềm vui trao đổi trên cơ sở tự giác và tôn trọng lẫn nhau, và mô hình này được du khách đến đây tham quan rất thích thú.
Những đứa trẻ trong xóm. |
Ở Đá Bia, người dân chủ yếu làm nông, trồng trọt và nuôi, đánh bắt thủy sản trên hồ. Vài năm gần đây, khi du lịch cộng đồng phát triển hơn, các hộ dân trong xóm đã tham gia làm dịch vụ du lịch hoặc cung cấp thực phẩm phục vụ du khách…
Quán tự giác còn là nơi người dân giao lưu, trò chuyện với khách du lịch. Đoàn khách nào từ xa đến cũng ngạc nhiên và rất thích thú khi tìm hiểu mô hình quán. Không ít người nhiệt tình còn tư vấn thêm cho các “chủ quán” mở rộng các loại mặt hàng như thổ cẩm, đồ trang trí của người Mường, một số loại bánh…
Kể từ khi có các dự án du lịch cộng đồng, hình ảnh các Quán tự giác ở Đá Bia đã được du khách đem đi rất xa để giới thiệu như một nét văn hóa độc đáo của người Mường Ao Tá. Quán tự giác đã trở thành hình ảnh của lòng tin, tinh thần tôn trọng lẫn nhau và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Khách du lịch tìm đến với Đá Bia vì một xóm nhỏ ven núi rất đẹp, đậm chất văn hóa Mường, và vì những quán bán hàng độc đáo này.
(Theo Nhân Dân)