Quảng Bình có 116,04km đường bờ biển, với hệ thống cảng và cửa sông vô cùng đa dạng, là cửa ngõ giao thương của nhiều vùng trong và ngoài nước. Trong những năm qua, tình hình khai thác hải sản, đánh bắt vùng biển xa bờ ở tỉnh Quảng Bình có bước phát triển đáng khích lệ. Toàn tỉnh Quảng Bình có nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá tại tỉnh Quảng Bình còn chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.

anh 6s.jpg
Quảng Bình đang từng bước hoàn thành hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, từ nhiều nguồn kinh phí được hỗ trợ, địa phương này đã từng bước hoàn thành hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão, góp phần phát triển kinh tế thủy sản, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư dự án hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá từ nguồn tiền bồi thường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh theo đúng quy định…

Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị cũng đang hoàn thiện thủ tục có liên quan để triển khai Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh (thị xã Ba Đồn) với tổng mức đầu tư hơn 349 tỷ đồng, trong đó vốn từ Ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hơn 333 tỷ đồng; vốn Ngân sách địa phương do UBND tỉnh quản lý 16 tỷ đồng.

Dự án có quy mô cho 800 - 1.000 tàu thuyền có công suất 1.000CV vào neo trú bão an toàn, cập cảng lên xuống hàng hóa, phục vụ phát triển nghề cá tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận vùng duyên hải Trung bộ. Thời gian thực hiện dự án là 04 năm, kể từ năm khởi công. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn như thi công ở vùng cửa sông hoặc gần cửa sông nên tiến độ thi công chịu ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện thời tiết; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng trong việc huy động thiết bị thi công chuyên dụng và nhân công từ các địa phương khác đến Quảng Bình; vẫn có một vài người dân phản đối, cản trở, khi triển khai thực hiện; việc xây dựng đề cương, thuyết minh chi tiết, định mức và các khâu thẩm định, phê duyệt một số dự án mất nhiều thời gian…

Tỉnh Quảng Bình cũng đã kiến nghị với đoàn công tác một số nội dung như: quan tâm, xem xét, kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu neo đậu, cảng cá, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tỉnh Quảng Bình; bố trí bổ sung vốn đầu tư năm 2024 để Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh có cơ sở triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tiến độ…

Hiện, tỉnh Quảng Bình có 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền với quy mô nhỏ chỉ đáp ứng được cho khoảng gần 1.200 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Tỉnh Quảng Bình cũng chỉ có 3 cảng cá đang hoạt động vởi lượng hải sản qua cảng khoảng gần 60.000 tấn.

Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. 

Cùng với các công trình hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng; đội tàu cá công suất lớn khai thác vùng biển xa; hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ cung ứng phục vụ khai thác được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu ngư dân... sẽ là tiền đề để Quảng Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Tiến Quang