Tất cả những nội dung gây hiểu nhầm thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ đều không được phép sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc.
Thị trường dược phẩm tại Việt Nam trong những năm qua phát triển không ngừng. Theo số liệu thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 khoảng 4,7 tỷ USD (tương đương trên 105.500 tỷ đồng).
Hãng này dự báo, độ lớn thị trường sẽ lên 7,7 tỷ USD ( trên 184.500 tỷ) vào năm 2021 và đạt 16,1 tỷ USD ( trên 289.000 tỷ đồng) tới năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.
Chi tiêu tiền thuốc của người Việt qua các năm không ngừng tăng |
Thống kê cho thấy chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD năm 2010 và tiếp tục tăng gần gấp đôi năm 2015, với 37,97 USD. Riêng trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 USD/người (khoảng 1,3 triệu đồng).
Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm hơn 14% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì cho tới năm 2025. Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi, lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Do đó đây được xem là ngành kinh doanh màu mỡ. Để thúc đẩy doanh số bán hàng, nhiều công ty dược không tiếc tiền đầu tư cho quảng cáo. Tuy nhiên Cục Quản lý Dược cho biết, thời gian qua đã xử lý không ít các doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thuốc, chủ yếu là quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo có nội dung không phù hợp với các tài liệu theo quy định.
Các thông tin, hình ảnh quảng cáo thuốc tại Việt Nam phải tuân theo Nghị định 54 cũng như luật Quảng cáo |
Theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Dược, có hiệu lực từ 1/7/2017, thuốc được quảng cáo trên các phương tiện thông tin, đại chúng sau khi có giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Trong đó có tới 16 khoản mục, quy định rõ các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc:
1. Các thông tin, hình ảnh quy định tại Luật quảng cáo.
2. Các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc.
3. Các nội dung tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định; thuốc không có tác dụng không mong muốn; thuốc không có tác dụng có hại.
4. Các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu nhầm là tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc hoặc vượt quá tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt.
5. Ghi tác dụng của từng thành phần có trong thuốc để quảng cáo quá công dụng của thuốc hoặc gây nhầm lẫn tác dụng của mỗi thành phần với tác dụng của thuốc.
6. Các từ, cụm từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự.
7. Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc:
a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;
b) Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;
c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ;
d) Chỉ định mang tính kích dục;
đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;
e) Chỉ định điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy;
g) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác;
h) Chỉ định điều trị bệnh viêm gan do vi rút, các bệnh nguy hiểm mới nổi.
8. Các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
9. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng.
10. Kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận.
11. Sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc.
12. Lợi dụng xuất xứ của thuốc, nguyên liệu làm thuốc để quảng cáo thuốc.
13. Hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế.
14. Hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
15. Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc.
16. Sử dụng hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.
T. Thư