Lần đầu, giọng ca Quy Nhơn chia sẻ tháng ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp với ba bộ quần áo và chiếc xe máy cà tàng. 4 năm xa nhà là 4 năm anh khóc hết nước mắt vì cô đơn, buồn tủi.
Hai năm nay, Quang Dũng chủ yếu sống ở Mỹ. Mỗi lần anh về nước, đều là có lịch biểu diễn. Vì thế, sau nhiều lần hẹn hò, người viết mới gặp được ca sĩ Còn ta với nồng nàn. Anh cười hiền giải thích cho sự đi về vội vã của mình: “Mỗi lần biết tôi về nước, Bảo Nam đều hỏi, chừng nào ba về lại? Ba nhớ về nhanh nha”. Vì những lời dặn dò thiết tha của con trai Quang Dũng đi đâu cũng muốn nhanh chóng về tổ ấm mới ở Mỹ. Và trong suốt buổi trò chuyện, đề tài khiến Quang Dũng hào hứng nhất chính là gia đình và con trai Bảo Nam. Đối với anh, danh vọng, tiền bạc chỉ là phù du, tình cảm mới là điều cao cả và trân quý nhất.
Quang Dũng mua nhà ở Mỹ để tiện chăm sóc con trai. |
Làm giám khảo vì Mỹ Tâm
- Anh đã mua nhà ở Mỹ. Anh có thể chia sẻ cuộc sống mới ở xứ sở cờ hoa như thế nào?
- Một năm trước, tôi cảm thấy khó khăn và áp lực khi hòa nhập với cuộc sống mới nhưng bây giờ thì mọi thứ đã ổn. Bạn đừng nghĩ, có nhà ở Mỹ là sướng, bạn phải học hỏi mọi thứ từ cử chỉ, hành động, đưa ra ý kiến làm sao cho hợp. Là người của công chúng, càng dễ bị để ý, nếu mình không hành xử như họ thì mình sẽ bị lạc lõng. Cứ bảo thủ mình là người Việt Nam sẽ khó hòa nhập. Bé Bảo Nam lại sống và học ở Mỹ từ nhỏ, nếu tôi không cập nhật kiến thức thì khó chia sẻ và gần gũi con được.
- Sống ở Mỹ nên hình như anh cũng thay đổi nhiều hơn trước. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi thấy cách mình tư duy và nhìn nhận vấn đề khác trước. Tôi cởi mở hơn xưa, khi nói về vấn đề gì cũng hăng say, hoạt bát hơn. Bản thân tôi là người ít nói, nói điều gì cũng dè dặt nên trước đây ai tiếp xúc có cảm giác khó gần hoặc chán. Vì thế, tôi khuyến khích các cháu, nếu có cơ hội ra nước ngoài thì nên đi. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà.
- Ít về Việt Nam, không tham gia chương trình truyền hình thực tế, anh có sợ khán giả quên mình?
- Tôi đã đi hát 20 năm rồi, đã có chỗ đứng trong âm nhạc, có lượng khán giả của riêng mình. Tôi nghĩ, thị phần của ca sĩ nào thì ca sĩ đó tự gìn giữ và phấn đấu. Không hát nhiều ở trong nước nhưng tôi đi hát nhiều ở hải ngoại. Khán giả hải ngoại cũng lớn vì ở Mỹ có tới 50 tiểu bang, mỗi chương trình của mỗi tiểu bang có mấy nghìn người vì thế tôi chưa bao giờ lo ngại bị khán giả quên.
- Nhiều người nhận xét, anh là người khác lạ của showbiz Việt khi không họp fan, không PR tên tuổi. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không họp fan, không PR nhưng luôn có những khán giả gắn bó với mình. Bao năm qua đi hát, tôi đề cao sự tự nhiên. Họp fan nghĩa là phải chiều lòng tất cả, có nhóm này, nhóm kia như thế lại thiếu sự tự nhiên. Fan của tôi không rầm rộ như các ca sĩ khác nhưng quan tâm đến tôi chân thành, tình cảm như người trong nhà. Có những cô chú lớn tuổi, đọc báo biết tôi đau họng gửi mật ong cho và dặn khi nào hết thì lại gửi thêm. Có người thấy tôi bị đau dạ dày thì làm bột nghệ gửi tặng. Mười mấy năm trôi qua, tôi vẫn nhận được tình cảm giản dị mà chân thành như thế. Những món quà nhỏ bé nhưng tôi trân trọng và quý vô cùng.
- Những người bạn thân trong giới của anh như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm đều tham gia làm giám khảo các chương trình thực tế, anh ngại điều gì mà từ chối rất nhiều lời mời?
- Sắp tới có thể tôi sẽ làm giám khảo một chương trình ca hát. Điều tôi suy nghĩ khi làm giám khảo là giá trị công việc mình làm chứ không phải nhằm mục đích PR tên tuổi. Thời gian qua, tôi phân vân, không dám nhận vì tôi thấy thực trạng có quá nhiều người làm giám khảo mà không đủ trình độ, không đủ vốn sống, tuổi nghề nên tôi mất niềm tin. Đó là chưa kể những chuyện đằng sau hậu trường vốn rất ồn ào, phức tạp. Tuy nhiên, tôi lấy lại được niềm tin khi chứng kiến Mỹ Tâm giúp học trò Đức Phúc đăng quang trong cuộc thi Giọng hát Việt vừa qua. Trong khi đa số không tin Đức Phúc có thể làm nên chuyện thì Tâm tận tình dìu dắt cậu bé. Tôi thấy Tâm làm việc rất có tâm, rất nể phục cô ấy.
- Nhiều người nhận xét Đức Phúc khó có thể tiến lên sau Giọng hát Việt, còn anh với kinh nghiệm 20 năm ca hát, anh nghĩ sao về khả năng đi đường dài của học trò Mỹ Tâm?
- Đường dài là đi chắc rồi vì Đức Phúc đã trở thành ca sĩ, có điều thành công hay không là do số mệnh của người đó. Không nói đến ngoại hình, khả năng hát live của Đức Phúc rất thuyết phục. Tôi mới đi hát chung trong show từ thiện với cậu bé này thì thấy Đức Phúc hát rất tốt, đến chỗ cần phô diễn kỹ thuật Phúc làm được và khi cần đẩy cao trào cảm xúc thì làm tốt. Đó là trời cho, không phải các bạn đi thi nào cũng làm được.
Người đàn ông của gia đình- Trong giới, mọi người nể anh vì anh là hình mẫu của người đàn ông của gia đình. Anh thấy sao?
- Tôi là người quá suy nghĩ vì gia đình. Tôi lo cho gia đình từ ngay cả lúc khó khăn chứ không phải thành đạt mới nghĩ đến. Từ những đồng cát xê đầu tiên tôi mới có 15 đồng, đáng giá chỉ bằng 3 tô phở, tôi tiết kiệm, bỏ từng đồng vào con heo đất, dành tiền cho gia đình. Cứ 1-2 tháng, tôi đập con heo đất ra, chia thành từng phần nhỏ: phần cho ba, cho mẹ, cho chị hoặc anh. Tôi gửi tiền về rất âm thầm, không cho người nào biết. Chị cần tiền sửa nhà, anh cần mua xe... tôi lại gửi về.
Gia đình tôi ở quê nghèo khó, đồng tiền lớn lắm. Ở thành phố, đi ăn một bữa hết 5-7 triệu là bình thường nhưng ở quê là sống được cả tháng. Tôi thương mọi người lắm. Đi hát 5 năm, dành dụm được vài trăm triệu, tôi gửi về để ba mẹ xây nhà, lúc đó tôi vẫn ở nhà thuê. Nói ra không phải đề cao mình hay kể công mà cảm thấy mình thật may mắn được ông trời cho, kiếm tiền được thì mới giúp được người thân.
- Những ngày đầu vào Sài Gòn lập nghiệp, anh gặp những khó khăn gì?
- Những ngày tháng đầu tiên vào Sài Gòn tôi khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Tôi đi hát khắp nơi, đám cưới, tiệc, vũ trường, phòng trà. Sáng đi luyện thanh nhạc. Cả gia tài của tôi chỉ có chiếc tủ vải, chiếc vali đựng 3 bộ quần áo và chiếc xe máy cà tàng. Cát xê thấp, không đủ cho tôi trả tiền nhà, đổ xăng xe thì sao có tiền mua quần áo. Lúc đó, cả tháng đi diễn, chỉ có 3 chiếc áo sơ mi nên tôi phải làm mới bằng cách thắt các cà vạt khác nhau. Nhiều đêm đi diễn về, gặp trời mưa, chạy xe về đến nhà, cả người ướt nhẹp. 4 năm đầu vào Sài Gòn tôi chuyển không biết bao nhiêu nhà trọ. Nghĩ lại, đôi khi vẫn còn ám ảnh.
- Vào Sài Gòn khi mới 20 tuổi, không có người thân, tiền kiếm được quá ít, đã khi nào anh chán nản, bỏ về quê chưa?
- Suốt thời gian dài, tôi chỉ hát ở trong bóng đêm nghĩa là hát ở vũ trường, phòng trà thôi, ra sân khấu 126 là mơ ước của tôi vì thời đó mọi người chỉ nghe Làn sóng xanh, không ai nghe nhạc trữ tình. Cứ nghĩ đời mình chỉ gắn với bóng tối, tôi buồn khủng khiếp. Nhiều lần nản quá, tôi lại muốn về quê. Có lẽ phải tới 3-4 lần gói ghém đồ đạc, xách xe ra bến xe Miền Đông rồi. Lần nào trên đường cũng òa khóc. Tiền không có, đi ngang quán café đẹp mà không dám vào, sống một mình cô đơn, lạc lõng. Suốt ngày, tôi lủi thủi một mình, cơm bụi, chưa bao giờ có bữa cơm nhà. Đã thế show hát lại bấp bênh, cảm giác tương lai vô cùng mờ mịt.
4 năm đầu vào Sài Gòn là 4 năm khó khăn nhất và khiến tôi khóc nhiều nhất. 4 năm đó, không có Tết nào tôi được về nhà. Tôi về thì sợ sẽ mất chỗ, sau này không được hát nữa. Khi đó, cả khu nhà trọ, mọi người về hết, ở trong phòng một mình không chịu được, tôi mang xe chạy vòng quanh thành phố để xua tan sự yếu đuối, buồn bã của mình. Thế nhưng, tình cờ đi trên đường vắng nhìn thấy hình ảnh gia đình nào đó, sự đè nén bấy lâu như tuôn trào, tôi khóc như mưa, phải dừng xe bên đường. Lúc đó, tôi không khác gì đứa trẻ bơ vơ, cô đơn. Nghĩ lại, bây giờ tôi vẫn còn thấy sợ.
- Phải chăng vì sợ cô đơn nên anh đã đưa các chị em và 6 cháu vào sống cùng mình ở TP.HCM?
- Khi đã trụ được ở Sài Gòn thì 2 em gái vào học. Sau này các em lấy chồng thì mỗi người ở một nhà nhưng đều ở quận Phú Nhuận vì tôi muốn anh em quây quần, khi có việc gì thì chỉ một tiếng là có mặt. Còn việc nuôi các cháu ăn học thì tôi muốn giúp đỡ các anh chị ở quê. Tôi không coi đó là gánh nặng hay công lao to lớn gì, chỉ là tôi may mắn hơn thì tôi hạnh phúc được làm việc đó. Bây giờ, các cháu đứa tốt nghiệp đại học, đứa du học… tất cả đều ngoan ngoãn khiến tôi sung sướng vô cùng.
Quang Dũng dành những ngày đầu tuần đi chơi và đi ăn cùng con trai Bảo Nam. |
Cuộc sống ung dung, tự tại
- Là người lo xa nên nghe nói anh đã chuẩn bị đầy đủ tiền bạc, nhà cửa cho con trai . Anh có sợ mình chăm chút như thế sẽ khiến con ỷ lại?
- Chính vì lo con ỷ lại nên tôi không tuyên bố, không hứa hẹn gì. Tôi âm thầm làm những điều tốt nhất cho con. Tôi mong, sau này con trai hiểu được lòng tôi, đã chắt chiu, lo lắng cho con thế nào.
- Vợ cũ đã có hạnh phúc mới, còn anh, đã tìm được một nửa yêu thương chưa?
- Qua một lần đổ vỡ, tôi dè dặt hơn trong chuyện tình cảm. Chuyện vợ chồng chia tay không phải chỉ là mất mát tình cảm mà còn nhiều thứ lắm nên tôi càng phải thận trọng. Khi nào tình cảm đến bằng sự chân thành thì tôi đón nhận. Nếu không thì ở một mình cũng không sao vì xung quanh còn con trai, anh chị em trong nhà rất yêu thương nhau. Đời sống hiện tại của tôi chan hòa, ung dung lắm. Mình nói có người nghe, làm có người hiểu, thế là đủ rồi. Không những thế, tôi còn có những người bạn tốt, gắn bó và tin tưởng nhau tuyệt đối.
- Trong showbiz, tình bạn thân thiết, dường như hơi xa xỉ. Anh làm sao giữ được tình cảm với bạn bè là những ngôi sao nổi tiếng trong nhiều năm?
- Tôi nghĩ, tất cả đều là sự chân thành, xuất phát từ trái tim. Nếu là giả tạo, bề ngoài thì sớm muộn gì người khác cũng thấy. Tôi với Thanh Thảo, Mỹ Tâm, Hồng Ngọc, Đàm Vĩnh Hưng gắn bó với nhau từ những ngày khó khăn, bây giờ thỉnh thoảng mới gặp nhưng gặp là bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Chúng tôi đối với nhau tự nhiên, không giữ kẽ, cả nhóm có thể cùng đàn hát thâu đêm, uống rượu say khướt, nằm lăn giữa nhà cũng không sao. Nhà của tôi là nơi tụ tập, nhậu vì luôn có đồ ăn miền Trung, giờ giấc nào cũng nấu được. Tôi ít bạn nhưng lại là những người mình tin tưởng tuyệt đối, không bao giờ diễn tuồng, hơn thua. Có lẽ tôi may mắn vì có cung bạn bè tốt.
Theo Zing