Tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đánh giá mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương của tỉnh, đã thu hút người dân tham gia và sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch. 

anh 9.jpg
 Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại Quảng Ngãi. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhận thức của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch được nâng lên và chuyển biến rõ rệt; ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội gắn với phát triển du lịch ngày càng tốt hơn.

Sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng, trong đó du lịch biển, đảo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn, cùng với du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch gắn với các sự kiện thể thao. 

Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương, đã thu hút người dân tham gia và sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch; góp phần tạo cơ hội làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người lao động tại khu vực nông thôn, qua đó quảng bá, giao lưu, trao đổi văn hóa, các sản phẩm OCOP đặc trưng của mỗi địa phương.

Làng Teng thuộc xã Ba Thành, huyện Ba Tơ nằm bên Quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum) cùng dòng sông Liên hiền hòa. Làng có 300 hộ là người H’rê. Đây cũng là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm, là nơi cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng này. Ngày 25/9/2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hai năm trở lại đây, Hợp tác xã Dịch vụ làng Teng được thành lập nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào Hrê đến với người dân, du khách, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Làng Teng đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Chị Phạm Thị Y Hòa cho biết, tham gia Hợp tác xã, bà con được truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào H’rê; tập huấn đưa đón, giao tiếp với du khách; học hát dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc…Từ hoạt động du lịch, thu nhập của bà con ổn định và tăng hơn trước.

Bên cạnh đó, các mô hình du lịch đã góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch đến Quảng Ngãi. Năm 2022, tổng lượng khách đạt 650 nghìn lượt; trong đó, khách quốc tế đạt 11 nghìn lượt. Tổng thu du lịch đạt 700 tỷ đồng. Năm 2023, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi đạt hơn 1 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 15 nghìn lượt. Tổng thu thu du lịch đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2022.

Năm 2024, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, đạt 111% so với kế hoạch và tăng 36% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 29 nghìn lượt, đạt 155% so với kế hoạch và tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu du lịch ước đạt 1.434 tỷ đồng, đạt 155% so với kế hoạch và tăng 30% với cùng kỳ năm trước.

Năm 2025 dự kiến doanh thu từ du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hơn 1.434 tỷ đồng. Để khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành du lịch nói chung và du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch.

Tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ưu tiên quỹ đất, các vị trí thuận lợi tại các địa bàn du lịch trọng điểm để quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp... 

Phấn đấu đến năm 2030, huyện Lý Sơn được công nhận là khu du lịch quốc gia; phát triển huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; tập trung đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch,…

Diệu Bình