Chuyển đổi số giúp hạn chế việc người dân phải đến trực tiếp làm TTHC tại các trung tâm hành chính công.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua Trung tâm Hành chính công các cấp luôn chú trọng cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Nổi bật là các sở, ban, ngành và địa phương đã đẩy mạnh triển khai việc giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả).

Hiện nay các sở, ban, ngành cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%). Cấp huyện cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 97 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 48,5%) và 103 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 51,5%). Cấp xã cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 31 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 39,7%), 47 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 60,3%).

Các trung tâm hành chính công đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; kết quả thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 26,1%. Thu phí và lệ phí đối với các TTHC không dùng tiện mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt trên 6 tỷ đồng; các trung tâm hành chính công cấp huyện đã thu trên 3 tỷ đồng; cấp xã thu trên 3 tỷ đồng.

Cùng với đó, các trung tâm hành chính công cũng phối hợp cùng VNPT, Viettel Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cấp miễn phí chữ ký số cho người dân. Trong 6 tháng đầu năm, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí 2.713 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Tích hợp thành công chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT-CA trên cổng dịch vụ công để cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử.

Anh Phạm Văn Thọ (phường Đông Triều, TX Đông Triều) thực hiện thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến.

Với các giải pháp đồng bộ trong thực hiện chuyển đổi số đối với TTHC đã tạo thuận lợi thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Anh Phạm Văn Thọ (phường Đông Triều, TX Đông Triều) chia sẻ: Nếu như trước đây khi thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe, tôi phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm thủ tục, thì nay chỉ cần chiếc máy tính xách tay là có thể gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà. Điều này giúp ích cho người dân rất nhiều, vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa giảm được chi phí.

Trong 6 tháng đầu năm, số lượng hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia là 217.276 hồ sơ (đạt 97,8%); số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tính riêng trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đối với cấp tỉnh là 23.600/hồ sơ (đạt 98,3%), cấp huyện là 66.532 hồ sơ (đạt 98,9%), cấp xã là 17.862/18.136 hồ sơ (đạt 98,5%).

Thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ, từ 1/7/2024 người dân sẽ sử dụng tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ hành chính công. Để thực hiện nội dung trên, hiện nay tại các trung tâm hành chính công Công an tỉnh và công an các địa phương đã cử cán bộ trực để hướng dẫn, giúp người dân cài đặt và thao tác nộp TTHC trên VNeID.

Cán bộ Công an tỉnh giúp người dân cài đặt VNeID tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bên cạnh những giải pháp trên, thời gian qua các sở, ban, ngành và địa phương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập tài khoản, cách nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục thực hiện nhận kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)