Xác định chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH, đảm bảo QP – AN, tỉnh tập trung thực hiện CĐS trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển.

Xây dựng và phát triển kinh tế số, tỉnh tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện mua bán, dịch vụ trên môi trường mạng. Phát triển hạ tầng chuyển phát, đổi mới mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; khuyến khích người dân chủ động kết nối tiêu thụ nông sản, bán hàng trực tuyến; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Giang tham gia Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số.
Đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Giang tham gia Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Bưu chính Viettel, Bưu điện tỉnh đẩy mạnh triển khai tập huấn, hỗ trợ đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp phát triển dịch vụ viễn thông, internet, dịch vụ di động, bưu chính và chuyển phát đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và doanh nghiệp.

Các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT trong công tác CĐS. Triển khai các mô hình CĐS cấp xã, tập trung vào các lĩnh vực như: Phát triển thương mại điện tử, du lịch thông minh, dịch vụ xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800 doanh nghiệp, 874 HTX, trong đó có 168 doanh nghiệp, HTX thực hiện CĐS mô hình kinh doanh; 20 doanh nghiệp hoạt động công nghệ số; 32 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS. 100% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử được đào tạo, tập huấn; 100% sản phẩm OCOP được đăng tải trên sàn thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục; hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, giá trị thanh toán qua tài khoản đạt tỷ lệ 85%; các hoạt động mua bán, trao đổi, chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 99,3%; tỷ lệ dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử đạt hơn 80%.

Nhân viên Công ty Xăng dầu Hà Giang hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên Công ty Xăng dầu Hà Giang hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với phát triển kinh tế số, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển chính quyền số, xem đây là trụ cột quan trọng nhằm tạo đà, định hướng, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế số, tỉnh tiếp tục duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai hệ thống giám sát băng thông, tình trạng kết nối, lưu lượng mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng việc kết nối cho các cơ quan; quan tâm hoàn thiện hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng hiện đại, hệ thống thông tin dùng chung; tái cấu trúc hạ tầng thông tin theo hướng kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng với mạng internet; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy tờ; nhanh chóng tái cấu trúc quy trình và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di dộng thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác điều hành tác nghiệp, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh triển khai nhiều cuộc họp theo mô hình phòng họp không giấy tờ; làm sạch hơn 99% dữ liệu tổng số thuê bao di động; tiếp nhận, giải quyết trực tuyến hồ sơ thủ tục hành chính đạt trên 87%; tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt gần 90%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 80%; 100% cán bộ, công chức có tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng; 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng.

Về phát triển xã hội số, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai ứng dụng trên thiết bị di động, làm nền tảng cho phép người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ mọi nơi, mọi lúc, phù hợp với nhu cầu.

Tính đến hết quý II năm 2024, toàn tỉnh có trên 2.800 trạm thu phát sóng, trong đó có 3 trạm 5G và 1.305 trạm 4G; tỷ lệ thôn được phủ sóng di động trong toàn tỉnh đạt 98,9%; tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 320 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng.

Trên cơ sở Nghị quyết 18 năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác CĐS, hiện nay, tỉnh tập trung triển khai hoàn thành dự án xây dựng hệ thống điều hành thông minh, đưa các phần mền họp không giấy tờ, phần mềm báo cáo, chỉ đạo, điều hành vào sử dụng trong các cơ quan, đơn vị; thực hiện quy hoạch, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt các trạm phát sóng di động tại các thôn; nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet.

Theo TRẦN KẾ (Báo Hà Giang)