Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều dấu ấn quan trọng, tạo diện mạo nông thôn khang trang, văn minh, hiện đại. Tính đến thời điểm này, 100% xã trên địa bàn tỉnh về đích nông thôn mới.

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Mỗi địa phương tùy vào đặc thù và thế mạnh riêng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

san chi da bong 1064.jpg
100% xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về đích nông thôn mới.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn tại nhiều địa phương trong tỉnh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong cộng đồng.

Các địa phương đã tập trung lồng ghép, đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới vào các hội nghị cấp huyện, cấp xã. Phát động các phong trào thi đua gắn với tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn. Vận động người dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường... 

Hằng năm, tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu để phân bổ vốn nguồn đối ứng cho phù hợp. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình giao thông có tính cấp thiết, đặc biệt là các tuyến huyết mạch và hạ tầng giao thông ở những xã khó khăn. Đến nay, 100% xã thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đều đã có đường bê tông khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho đi lại, giao thương, phát triển sản xuất.

Địa phương tiêu biểu trong phát triển hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh có thể kể đến huyện Tiên Yên. Tiên Yên đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Trong đó, huyện đã huy động nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, trường học… 

Điển hình các dự án: Nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc, xã Đại Dực đi xã Húc Động, huyện Bình Liêu; tuyến đường nối thôn Quế Sơn sang thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; mở rộng đổ bê tông đường từ ngã ba nhà ông Ngô Văn Hùng, thôn Thượng đến khu Miếu Cò, thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tiến độ đạt 70%, dự kiến hoàn thành tháng 11/2023…

Cuối năm 2019, huyện Tiên Yên thực hiện đề án sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực. Sau khi sáp nhập, việc đi lại của người dân từ xã Đại Thành cũ sang Đại Dực và ngược lại rất khó khăn do cung đường nhiều cua, dốc cao nguy hiểm.

Nhằm đồng bộ về hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân, giữa năm 2021, huyện đã khởi công công trình xây dựng, mở rộng, nâng cấp, nắn tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành cũ; bề rộng của đường đạt 3,5m, vận tốc thiết kế của tuyến đường là 30km/h. Tổng mức đầu tư công trình là 153 tỷ đồng từ nguồn vốn tỉnh.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay công trình đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra. Dự án hoàn thành đã tạo không gian phát triển cho xã Đại Dực cũng như tăng cường khả năng liên kết vùng, phục vụ giao thông đi lại, giao thương buôn bán cho người dân, đảm bảo được sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để có được những thành tựu này là sự chung sức, đồng lòng của đông đảo nhân dân và những chủ trương, chính sách kịp thời của tỉnh. Trong đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Đổi mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với phát triển nông nghiệp. 

Tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát huy sức mạnh của nhân dân, ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và luôn đề cao vai trò của người đứng đầu của các địa phương cấp huyện, cấp xã.

Những tháng cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả phong trào “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, khẩn trương rà soát hoàn thiện, ban hành, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; quy định lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách tỉnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa cao. Nâng cao hiệu quả quản lý vận hành khai thác có hiệu quả hạ tầng nông thôn. Tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.

Tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng lao động nông thôn... Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn liền với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, hoàn thành mục tiêu tạo ra 20.000 việc làm mới tăng thêm, giảm số người bị mất việc...

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV