TS. Nguyễn Duy Tùng, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. 

Bên cạnh việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các địa phương, thông qua việc lựa chọn ngưỡng tối ưu, chỉ số còn phần nào phản ánh khoảng cách trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương đó. 

Kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2022 đạt 52,53, tăng 1,15 điểm so với năm 2021. Mức điểm này vẫn cho thấy các địa phương cần tiếp tục tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

quang ninh mot thap ky dot pha cai cach hanh chinh vi su hai long cua nguoi dan 1556.jpeg
Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. 

Kết quả PSDI 2022 cho thấy, nhóm tỉnh/thành được đánh giá thực hiện khá tốt các mục tiêu phát triển bền vững (trên 60 điểm) bao gồm 11 địa phương nhiều hơn so với năm 2021 (7 địa phương). Thái Nguyên đã thăng hạng vượt bậc từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 5. Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu với 66,46 điểm. Hải Phòng giữ nguyên vị trí thứ hai (65,50 điểm. Vị trí thứ ba thuộc về Đà Nẵng với 65 điểm. 

Phía cuối bảng xếp hạng, nhóm các tỉnh/thành có mức điểm dưới 40 điểm không có sự thay đổi, bao gồm: Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và Lai Châu, trong đó Lai Châu đã giảm từ vị trí thứ 57 xuống vị trí cuối cùng trong năm 2022.

Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững của bộ chỉ số PSDI 2022, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về PSDI12 - Tài nguyên và môi trường trên đất liền với điểm số 83,82 điểm. Các mục tiêu còn lại của Quảng Ninh đa phần đạt thứ hạng cao, với 7 mục tiêu nằm trong top 5 tỉnh/thành dẫn đầu. 

Duy trì vị trí thứ hai qua 2 năm liên tiếp là TP. Hải Phòng với 65,50 điểm. Hải Phòng thể hiện sự vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với PSDI7 - Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế xếp thứ nhất trong 63 tỉnh/thành với mức 61,16 điểm. Ngoài ra, một số mục tiêu cũng được thực hiện khá tốt khi đứng trong vị trí top 10 như: PSDI2, PSDI4, PSDI6, PSDI8 và PSDI9. 

Các vị trí tiếp theo trên bảng xếp hạng lần lượt là Đà Nẵng (65,00 điểm), Vĩnh Phúc (63,50 điểm) và đặc biệt là Thái Nguyên (62,59 điểm) đã vươn lên vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 21 trong năm 2021. 

Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và một số tỉnh/thành thuộc vùng Tây Nguyên với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng chỉ số phát triển bền vững PSDI 2022 theo vùng cho thấy, có sự phân nhóm rõ nét giữa 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước trong năm 2022, với thứ tự xếp hạng không thay đổi so với năm trước đó. 

Trong đó, Đồng bằng sông Hồng tiếp tục thể hiện ưu thế vượt trội trong việc thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bất bình đẳng xã hội, xây dựng đô thị và cộng đồng bền vững và đảm bảo hóg bình, công lý và các thể chế vững mạnh. 

Theo sau là vùng Đông Nam Bộ vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Nhóm thứ ba là các vùng dưới mức điểm trung bình. Hai vùng là Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Trung du và miền núi phía Bắc có sự chênh lệch không đáng kể với điểm số lần lượt là 48,54 và 48,18 điểm. Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên cách khá xa khi xếp cuối với 44,7 điểm.