Đầu tư, nâng cấp hạ tầng chăm sóc sức khỏe

Đầu năm nay, Quảng Ninh đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy, với kinh phí đầu tư trên 181 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Trung tâm có khối nhà điều trị nội trú 12 tầng; khối nhà khám và kỹ thuật nghiệp vụ; các hạng mục phụ trợ, nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bãi Cháy. Trung tâm bố trí 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn, có nhiều trang thiết bị hện đại như máy gia tốc tuyến tính, hệ thống CT mô phỏng, máy xạ trị SPECT...

Về nhân lực, Trung tâm có 73 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, kỹ sư vật lý nguyên tử; đã triển khai, làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong khám, chữa bệnh ung thư đa mô thức như phẫu trị, hóa chất, xạ trị - y học hạt nhân và điều trị giảm nhẹ. Từ khi hoạt động đến nay, Trung tâm đã khám và điều trị cho trên 4.400 lượt người bệnh.

Dự kiến cuối năm 2019, Trung tâm Y tế Hải Hà cũng đưa vào sử dụng khối nhà 8 tầng, với diện tích xây dựng gần 14.000m2 và công trình phụ trợ nhằm phục vụ công tác điều trị của 17 khoa, phòng trong đơn vị. Dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh với kinh phí trên 230 tỷ đồng, trong đó trên 140 tỷ đồng là đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Các địa phương cũng tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm y tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Tiêu biểu là TX Đông Triều đã dành hơn 16 tỷ đồng để xây mới 2 trạm y tế, sửa chữa 7 trạm y tế trong năm 2018; xây mới 5 trạm và sửa chữa 8 trạm trong năm 2019 với kinh phí trên 28 tỷ đồng. Các trạm y tế được trang bị thiết bị y tế cơ bản; 21/21 trạm có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Cùng với được đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng, trong năm 2019, Trạm Y tế xã cũng triển khai thí điểm mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình. Cùng với đó, đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn để người dân tin tưởng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

{keywords}
Triển khai các kỹ thuật xạ hình trong chẩn đoán bệnh lý ung thư tại Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh - Hình minh họa: benhvienbaichay.vn

Tự nguyện hiến đất, nâng cấp giao thông

Ba Chẽ là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số của huyện, đa số là các hộ nghèo và cận nghèo. Kinh tế khó khăn kéo theo đời sống văn hóa, tinh thần, nhận thức của bà con có phần hạn chế. Nhằm triển khai hiệu quả các Chương trình, Đề án, chính quyền và các đoàn thể của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” để người dân ý thức được vai trò chủ thể của mình trong phát triển sản xuất, chủ động thoát nghèo.

Nhiều người dân ở đây đã tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp nhiều ngày công lao động để làm đường, thuận lợi cho đi lại và phát triển sản xuất.

{keywords}
Đường xá được mở rộng 

Năm ngoái, Ba Chẽ giảm được gần 560 hộ nghèo, trong đó có hơn 100 hộ viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; đời sống kinh tế được nâng lên, người dân cũng ý thức hơn trong việc chung tay xây dựng quê hương, bản làng.

Đề án 196 triển khai lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sản xuất như: các công trình giao thông, thủy lợi... tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi và hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển thương hiệu nông sản của địa phương.

Sự hỗ trợ từ Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh và các Chương trình mục tiêu quốc gia đang từng ngày giúp các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Ninh phát triển. Cùng với ý thức và sự nỗ lực của người dân nơi đây, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của Ba Chẽ từ 9,44% năm 2018 xuống dưới 5% vào năm 2019; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/năm là hoàn toàn có cơ sở.

Bài: Hà Lệ Yên - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV