Lý do chính sách nhập khẩu của nước này được siết chặt, đòi giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm của cá nục khô, nhưng người dân không có, đành để hàng tồn trong kho.
Các cơ quan ban, ngành ở Quảng Trị đang tìm hướng giải cứu cá cho dân. |
Khốn khổ vì thiếu giấy an toàn thực phẩm
Được biết hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị đang có 16 xã, thị trấn ven biển thuộc 4 huyện, gần 16.000 lao động hoạt động thủy sản, trong đó có hơn 7.000 lao động trên biển. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân chưa thực hiện nghiêm túc đánh bắt thủy sản có khai báo.
Còn huyện Gio Linh là địa phương có sản lượng thủy sản khai thác hằng năm khoảng 15.000 tấn, chiếm 60% tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có đội tàu đánh bắt xa bờ với 171 chiếc đủ điều kiện bám biển dài ngày hoạt động ở các ngư trường dồi dào tiềm năng. Hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản ở các xã vùng biển của huyện Gio Linh luôn luôn sôi động.
Những chuyến tàu đánh cá nục cập bến được ngư dân nhanh tay vận chuyển lên bờ, sơ chế sạch sẽ rồi ướp muối. Sau đó, cá được xếp lên các vỉ lưới rồi đưa vào lò hấp. Vỉ cá hấp xong được đem ra ngoài trời nắng để phơi khô. Những mẻ cá nổi tiếng thơm ngon đã trở thành thương hiệu này được bán cho thương lái rồi xuất khẩu qua Trung Quốc. Hằng năm, có khoảng 6.000 tấn cá khô xuất sang thị trường giàu tiềm năng này.
Mùa hè là thời điểm chính vụ của nghề hấp cá phơi khô rồi xuất khẩu. Thế nhưng hiện tại hầu hết cơ sở sống bằng nghề này (nằm hai bên đường Xuyên Á đoạn qua xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt) đang tạm ngừng hoạt động, hoặc chỉ hấp với số lượng rất ít. Hàng nghìn chiếc vỉ dùng để phơi cá đang nằm án binh bất động.
Theo thống kê, số lượng cá nục hấp khô đóng gói chưa được xuất đi ở xã Gio Việt là 600 tấn, thị trấn Cửa Việt 400 tấn. Tình trạng này gây ra thiệt hại đáng kể cho tư thương xuất khẩu thủy sản và đình trệ lịch trình đi biển của ngư dân vì thiếu nơi thu mua.
Theo người dân nơi đây, thường 2,5kg cá nục tươi (1kg/12 nghìn) sẽ được 1kg cá nục khô (50 nghìn). Nếu được như thế thì dân có lãi nhưng năm nay, thương lái không mua nên mọi người đang hoang mang.
Chị Hồ Thị Vỹ (ngụ khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) cho biết: “Gia đình tôi đang tồn đọng chừng 22 tấn cá nục khô, có đem ra chợ bán nhưng chỉ được số lượng nhỏ. Giờ dân nơi đây như ngồi trên đống lửa vì cá không bán đi được, bao nhiêu thứ phải lo, ngoài tiền điện bảo quản 7 triệu đồng/tháng thì còn rất nhiều chi phí khác như phải cho người làm thuê của mình mượn tiền để họ chi trả cuộc sống. Nếu tiếp tục như thế này, chất lượng cá sẽ giảm, thậm chí bị hỏng, nguy cơ vỡ nợ là rất lớn”.
Việc không xuất khẩu được cá khiến nhiều người phải nghĩ đến chuyện xay nhỏ những con cá trên mang bán, như vậy lỗ hơn nửa giá. Kèm theo đó, tinh thần của chủ tàu, ngư dân suy giảm, thu nhập giảm sút; đồng thời hàng trăm lao động hấp sấy mất việc.
Bãi phơi cá vắng vẻ. |
Chị Nguyễn Thị Hương, một chủ lò hấp sấy cá trăn trở, kho hàng của chị đang tồn 100 tấn. “Vào giữa tháng 6/2019, tôi bị trả hai container cá nục khô vì phía bạn hàng Trung Quốc đưa ra điều kiện hàng hóa phải có giấy an toàn thực phẩm nhưng tôi không có. Mấy hôm nay, có người tới hỏi mua cá nhưng với số lượng nhỏ khiến tôi vẫn đang lo lắng”.
Chính quyền tìm cách giải cứu
Ông Nguyễn Thanh Thương (Chủ tịch UBND xã Gio Việt) thông tin, trước đây việc hấp sấy cá diễn ra bình thường mang đến sản phẩm đặc trưng của địa phương và giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Nhưng từ cuối tháng 5/2019 đến nay lượng cá khô này chưa bán được khiến nhiều người dân lo lắng. “Xã đang kiến nghị với huyện, tỉnh nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm để có thể xuất ra thị trường khác bởi cá khô không phù hợp tiêu thụ trong nước”, ông Thương nói.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã này, mới đây có một số cơ sở thu mua lớn ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã vào địa phương mua khoảng 200 tấn và tiếp tục đàm phán để mua bán thêm trong thời gian tới.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng, chính quyền đang tìm giải pháp, trước mắt là giúp chủ cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô tiêu thụ số hàng tồn. Để có được tấm giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, UBND huyện đã kết nối cho tư thương hợp đồng với Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm - thủy sản miền Trung để cấp giấy chứng thực về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lâu dài, huyện tập trung tuyên truyền để ngư dân thực hiện đúng các quy định như ghi nhật ký khai thác, khai thác đúng vùng biển để sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Bạn hàng Trung Quốc yêu cầu giấy chứng nhận nguồn gốc cá nục khô, nhưng người dân không có, đành để hàng tồn trong kho. |
Trong ngày 24/7/2019, Sở KH&CN Quảng Trị đã có buổi làm việc với UBND huyện Gio Linh để đưa ra các phương án giải quyết kịp thời vấn đề tồn đọng cá nục hấp sấy khô. Sở này hứa sẽ hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân về nhãn hiệu, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu nhằm đưa các sản phẩm hải sản của Cửa Việt ra thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế của huyện.
Ông Trần Ngọc Lân (Giám đốc Sở KH&CN) cho biết, trên thực tế chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo ngư dân và các tiểu thương phải chú trọng đến việc xây dựng nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, chú trọng đến việc nâng cao công nghệ chế biến, áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất thủy sản để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá thành sản phẩm; nhưng người dân chưa chịu làm.
Trước mắt sẽ thống nhất với UBND huyện Gio Linh về việc đăng kí nhãn hiệu tập thể. Vì ở đây không có mô hình sản xuất hay HTX mà chỉ là các hộ kinh doanh cá thể nên thống nhất sử dụng một tên miền chung là “Thủy sản Cửa Việt” để đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến lúc cấp mã số mã vạch thì cấp độc lập cho từng hộ kinh doanh.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Chính (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho hay, sự việc đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân cũng như các cơ sở hấp sấy cá và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lỗi một phần là do các cơ quan chức năng không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hoá, nguồn gốc sản phẩm. Khi Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, bà con nông dân không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho.
“Các cấp, các ngành phải cùng nhau nghĩ cách để giải quyết cho người dân. UBND huyện Gio Linh cùng với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT cần tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời hướng dẫn cho bà con về lâu dài phải làm các thủ tục liên quan nguồn gốc hàng hoá.
Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì Chủ tịch huyện “đi bán cá” vẫn tốt, không phải xấu hổ gì. Một khi sản phấm ế đọng nhiều, không chỉ Chủ tịch huyện mà Chủ tịch, Bí thư tỉnh cũng phải đi bán bằng cách giới thiệu, quảng bá rộng rãi”, vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.
(Theo Pháp luật Việt Nam)