Sở dĩ bài viết này có cái tiêu đề gây sốc vậy, vì hiện nay hành vi quấy rối tình dục ở công sở vẫn chưa được nhận diện rõ ràng nên nó thường bị nhầm lẫn, đánh đồng thành các hoạt động đùa vui, quan tâm chăm sóc nhau ở nơi làm việc. Thế nhưng, đằng sau đấy lại là sự khó chịu, thậm chí giọt nước mắt của những người đã và đang phải âm thầm chịu đựng.
TIN BÀI KHÁC


Đã bị quấy rối còn bị ghét

Hoàng Lan là một cô gái trời phú cho chiều cao lý tưởng cùng nước da trắng và đôi chân dài thẳng tắp. Cô cũng là một chuyên viên rất có năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thế nhưng, từ khi ra trường đến nay, có 5 năm mà Hoàng Lan đã phải chuyển cơ quan đến 6 lần chỉ vì cô không thể chịu được nhưng lời trêu ghẹo đầy dục tính hay quá đáng hơn là sự đụng chạm cố ý của các đồng nghiệp nam trong quá trình làm việc.

Hoàng Lan tâm sự: “Một lần tôi đang làm việc thì nghe một đồng nghiệp nam ngồi đối diện gọi. Ngẩng lên tưởng chuyện gì hóa ra anh ta đang cầm cái kẹo mút và mút ngon lành, đủ kiểu biểu diễn trước mặt tôi. Đã thế anh ta còn hỏi em có thích được thế không. Thật không sao chịu nổi sự xúc phạm”.
Hiện nay hành vi quấy rối tình dục ở công sở vẫn chưa được nhận diện rõ ràng
Cũng giống như Hoàng Lan, tại công sở hiện nay có rất nhiều người cả nữ và nam giới đã, đang là nạn nhân của quấy rối tình dục và con số phụ nữ vấn chiếm đa số hơn. Có người âm thầm chịu đựng, có người chọn giải pháp chuyển cơ quan liên tục như Hoàng Lan. Nhưng cũng có một số nạn nhân dũng cảm đã dám vạch mặt tố cáo. Và kết quả là gì?, Thay vì được bảo vệ, họ lại trở thành “tội đồ lẳng lơ” trong mắt mọi người.

Chị Mai Hương vì không thể chịu đựng nổi hành vi bỉ ổi ấy đã dũng cảm công khai chuyện mình bị quấy rối đồng thời viết đơn tố cáo thủ phạm. Thế nhưng chưa “chờ được vạ thì má đã sưng”. Trong khi cơ quan có thẩm quyền đang đòi hỏi chị cung cấp chứng cứ thì chị phải đối mặt với khả năng bị thôi việc vì tội vu cáo. Ngoài ra, chị không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đồng nghiệp cơ quan khi công khai chuyện chẳng có gì tốt đẹp ấy khiến mọi người xì xào, bàn tán...

Quấy rối tình dục mà không biết

Nạn nhân của quấy rối tình dục đã thế, còn chủ thể của quấy rối tình dục đôi khi cũng không hề biết chính mình đang có hành vi quấy rối tình dục. Anh Nguyễn Sơn, giáo viên một trường ĐH sau khi dự một cuộc hội thảo về vấn đề này đã đứng lên dũng cảm tuyên bố: “Tôi đã từng là chủ thể của quấy rối tình dục” khiến mọi người tròn xoe mắt sững sờ. Theo phân tích của anh Sơn thì quấy rối tình dục có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức từ nhẹ đến nặng như: những lời nhận xét về bề ngoài, thân hình hay quần áo đối tượng, những câu hỏi quá sâu về đời sống tình dục của cá nhân, kể những câu chuyện phiếm về tình dục, cho tới tấn công, chiếm đoạt tình dục.

Lý do để anh Sơn tự nhận mình đã là chủ thể vì những câu đùa vui trong công sở như: “Dạo này em trông “ngon” quá!” với một nữ đồng nghiệp có kiểu tóc mới; hay một lần khoác vai tình cảm với một nữ đồng nghiệp khác mà hoàn toàn chỉ xuất thân từ tình cảm quý mến. Không những thế, anh Sơn cũng đã từng là nạn nhân của quấy rối tình dục khi bị chị em đồng nghiệp đùa vui “Sao trông ỉu xìu như “bút hết mực” vậy”.

Nói như vậy để thấy rằng, hiện nay hành vi quấy rối tình dục ở công sở vẫn chưa được nhận diện rõ ràng nên nó thường bị nhầm lẫn, đánh đồng thành các hoạt động đùa vui, quan tâm chăm sóc nhau ở nơi làm việc. Thế nên mới có câu rằng “Quấy rối tình dục - không có thì…buồn, có thì sợ”. Và, nạn nhân bị quấy rối thường tự an ủi nhau: “Mình có hấp dẫn thì người ta mới… quấy rối”.

Luật hóa các hành vi quấy rối tình dục?

Theo Thạc sĩ Bùi Phương Thảo - Học viện Cảnh sát nhân dân thì ‘hiện nay trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn chưa có một hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục, mà chỉ có những tội danh cụ thể như hiếp dâm, cưỡng dâm...Do đó, thực tế hành vi này có nạn nhân, có "tội" rõ ràng nhưng hình phạt cho nó thì vẫn còn bỏ ngỏ. Để bảo vệ quyền tự do quyền con người thì Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản pháp lý về vấn đề này và tùy mức độ hành vi mà áp dụng các chế tài từ nhẹ đến nặng như kỷ luật nội bộ, xử phạt hành chính, bồi thường và truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ý kiến trên của Thạc sĩ Bùi Phương Thảo đã được đưa ra tại buổi hội thảo “Phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với phụ nữ và trẻ em” (ảnh) được Trường ĐH Luật Hà Nội và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức sáng qua (18/10) nhân ngày Phụ nữ Việt Nam.

(Theo Pháp luật Việt Nam)