Bệnh gout (gút) là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa các nhân purin khiến hàm lượng acid uric trong máu tăng. Bệnh thường ảnh hưởng sớm đến bàn chân, gây ra đau đớn và bất lợi cho sinh hoạt của người bệnh.
Dù không phải là bệnh khó điều trị nhưng rất nhiều người hiểu sai về bệnh lý này, không tuân thủ chỉ định, phác đồ điều trị của bác sĩ, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
1. Chỉ nam giới ngoài tuổi 40 mới cần lo lắng về nguy cơ mắc bệnh gout?
- Đúng
- Sai
Tỷ lệ bệnh gout thường gặp nhất ở đàn ông từ 40-50 tuổi, thực tế, bệnh gout có thể gặp ở bất kỳ ai. Đặc biệt, với lối sống hiện đại, chế độ ăn giàu purine, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia lớn như ở nước ta thì bệnh gout có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Bệnh gout ở nữ giới hiếm gặp hơn và chủ yếu xuất hiện sau mãn kinh do nội tiết tố thay đổi. Ngoài ra, người có cha mẹ, anh chị em hoặc thành viên khác trong gia đình mắc bệnh gout sẽ có nguy cơ cao hơn.
2. Ăn nhiều đạm, hải sản, nội tạng động vật mới dẫn đến mắc bệnh gout?
- Đúng
- Sai
Nhiều người cho rằng gout là "bệnh nhà giàu" do ăn uống nhiều thức ăn bổ dưỡng, nhiều đạm, protein mới bị. Đây là quan niệm sai lầm.
Mặc dù gout là bệnh do rối loạn chuyển hoá liên quan đến acid uric và liên quan nhiều đến chế độ ăn nhưng các thực phẩm chứa nhiều chất đạm chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ, không phải là nguyên nhân chính gây bệnh. Bệnh còn liên quan đến các yếu tố di truyền và cơ địa, rối loạn quá trình tổng hợp purine,… làm cho purine nội sinh tăng và acid uric tăng.
3. Chỉ số acid uric trong máu cao nghĩa là đã mắc bệnh gout?
- Đúng
- Sai
Tình trạng tăng acid uric máu rất phổ biến, nhưng hầu hết những người tăng acid uric máu không có triệu chứng và chỉ một số ít (khoảng 10%) tiến triển thành bệnh gout. Tăng acid uric máu có thể kéo dài đến 20-30 năm mà không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện cơn gout cấp tính đầu tiên.
4. Người mắc bệnh gout nên ăn kiêng đạm hoàn toàn?
- Sai
- Đúng
TS Nguyễn Huy Thông, Trưởng khoa Khớp, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), cho biết rất nhiều người bệnh gout kiêng các sản phẩm cung cấp protein một cách tuyệt đối. Đây là quan niệm sai lầm. Người bệnh gout không có khuyến cáo chế độ ăn kiểm soát chặt chẽ lượng protein.
Việc thực hiện chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nồng độ acid uric máu tới 60 micro mol/L. Với chế độ ăn Địa Trung Hải, người bệnh gout có thể ăn các thực phẩm có nhiều protein ở Việt Nam sẵn có như trứng gà, cá đồng, sữa tươi, sữa chua, thịt gia cầm, và các loại hạt chứa nhiều protein thực vật như hạt đậu, hạt lạc, hạt điều.
Lượng protein cần cung cấp trong một ngày cho người bình thường là 0,8g/kg cân nặng. Ví dụ, một người 60kg cần 48g protein/ngày, có thể dùng một quả trứng gà (6-7g protein), nửa lít sữa tươi (15-16g), nửa lạng thịt gà (13-14g), nửa lạng hạt lạc (12-13g).
5. Loại rau, quả nào người mắc bệnh gout nên ăn?
- Măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng, cần tây...
- Súp lơ xanh, rau chân vịt, cải xanh, củ cải, bí…
- Dâu tây, dứa, cherry, cam, dưa leo, củ sắn, cà chua...
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh gout không nên ăn các loại rau có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu.
Các loại rau giàu chất xơ như súp lơ xanh, rau chân vịt được khuyến khích dùng bởi có thể giảm hấp thu đạm, từ đó giảm sự hình thành acid uric. Ngoài ra nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.
6. Người bệnh gout cần dùng thuốc ra sao?
- Chỉ khi nào đau, nhức, sưng khớp thì dùng, hết đau là ngừng
- Tuân thủ theo đơn thuốc bác sĩ cấp
- Không cần dùng thuốc, tự mua thuốc giảm đau mỗi đợt đau cấp
- Uống các loại thuốc bác sĩ cấp không đủ, có thể mua các loại khác uống kèm
Trị gout phải có kế hoạch dài hạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Không ít người sau một thời gian điều trị, triệu chứng được cải thiện thì tự ý ngưng thuốc; một số trường hợp lại chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp, khi không thấy có các triệu chứng thì tự ý bỏ thuốc, không tuân theo liều lượng, chỉ định. Đây là quan niệm sai lầm.
Việc tự mua thuốc giảm đau, dùng thuốc không rõ nguồn gốc cũng là sai lầm rất thường gặp của người bệnh gout. Điều này dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn và nguy hiểm như: xuất huyết tiêu hóa, suy giảm miễn dịch khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi.
7. Cơn đau gout cấp tính tự xuất hiện, tự biến mất, vì thế không cần điều trị vì bệnh không nguy hiểm?
- Đúng
- Sai
Cơn gout cấp tính diễn ra có tính chất đột ngột, kéo dài từ 3-10 ngày và nghiêm trọng nhất trong khoảng 24-48 giờ. Sau cơn cấp tính, nó có thể giảm dần rồi tự khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu không được điều trị, các đợt viêm cấp sau này sẽ kéo dài hơn, có thể không tự hết được, ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.