- "Các kỳ họp Quốc hội trước kia do thời gian hạn hẹp và nhiều vấn đề khác nên không phải ai muốn phát biểu gì cũng được nói mà đều có bố trí, sắp xếp sẵn. Nay hoạt động Quốc hội đã dân chủ hơn nhiều, nhất là các buổi chất vấn", ông Đặng Đức Tuấn, ĐBQH khóa 3 chia sẻ bên hành lang cuộc gặp mặt các thế hệ ĐBQH Hà Nội từ khóa 1 đến nay.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Dư địa đổi mới QH vẫn còn khá nhiều. Ảnh: LN
Diễn ra ngắn gọn và thân tình, cuộc họp mặt cũng là dịp để nhiều ĐBQH đã ở độ tuổi 90 như ông Nguyễn Văn Trân (nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ĐBQH khóa 1) gặp gỡ, trò chuyện với những ĐB trẻ tuổi. Bộ phim tư liệu về lịch sử hoạt động Quốc hội đã làm sống lại không khí những ngày chuẩn bị cho Tổng tuyển cử.
Bà Bùi Thị Tý, đại biểu từ khóa 4 đến khóa 7 nhớ lại: "Trong ký ức của tôi vẫn còn nguyên hình ảnh ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Cha tôi dậy sớm, nhắc mẹ phải mặc đẹp để đi bầu cử. Phố xá trang hoàng tưng bừng lộng lẫy, biểu ngữ treo cao dòng chữ: Nhiệt liệt chào mừng cuộc Tổng tuyển cử tự do".
Đó là lúc người dân cả nước bắt đầu ý thức được giá trị của độc lập, tự do.
Quốc hội khóa 1 kéo dài 15 năm. Do hoàn cảnh chiến tranh nên ĐBQH ở tỉnh, thành nào thì sinh hoạt nơi ấy. Khó khăn là vậy, nhưng các khóa Quốc hội đầu tiên đã tạo lập những nền tảng đầu tiên cho một nhà nước dân chủ mới, với vai trò "chèo lái" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam dẫn đến sự ra đời của Quốc hội khóa 1 đã có từ rất sớm, trong bản yêu sách tại hội nghị Versailles năm 1919. Khi đó Hồ Chủ tịch đã nói về việc phải xây dựng Hiến pháp, luật pháp và công dân phải có quyền bình đẳng", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ôn lại lịch sử.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng dành đôi phút để nói sơ lược những khó khăn của cuộc Tổng tuyển cử và bước đi đầu tiên của Quốc hội khóa đầu tiên.
Thành tựu lớn của Quốc hội khóa 1, theo ông Trọng, là bản Hiến pháp năm 1946: "Một dấu mốc đánh dấu sự ra đời của nhà nước pháp quyền. Một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngay lúc bấy giờ đã tiến bộ rất xa so với nhiều nước khác".
Theo ông Trọng, ngay từ những ngày đầu, Quốc hội đã được định hướng và hoạt động từ một quan điểm tiến bộ của Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân, về dân chủ và nhà nước pháp quyền.
"12 khóa Quốc hội vừa qua, chúng ta đã làm theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho dù mỗi khóa lại hoạt động trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng trong hoàn cảnh nào, Quốc hội vẫn luôn làm đúng chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất", ông Trọng đánh giá.
Theo nhận định của ĐB các khóa trước, ĐBQH khóa 12 đã thẳng thắn hơn. Ảnh: LAD
Ông Phạm Lợi (ĐBQH từ khóa 6 đến 8) cũng cho rằng, hoạt động Quốc hội đang ngày càng đổi mới theo hướng dân chủ hơn.
"Nhưng cũng mong Quốc hội đổi mới nhiều hơn nữa. Mọi quyết định phải đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của nhân dân, đặc biệt là nâng cao quyền giám sát sao cho thực chất hơn nữa. Hy vọng các vị ĐBQH có thêm thời gian gặp gỡ, đối thoại để hiểu được các bức xúc trong dân", ông Lợi nói.
Còn với ông Đặng Đức Tuấn (ĐB khóa 3), do các phiên truyền hình trực tiếp và thông tin từ báo chí nên hoạt động Quốc hội đang ngày càng công khai hơn. Nhiều vị ĐBQH đã tận dụng được các diễn đàn khác nhau để bày tỏ quan điểm và mạnh dạn chất vấn các nội dung dân quan tâm. Ông Tuấn đặc biệt ấn tượng với hoạt động của các ĐB như Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông...
"Tôi thì mong ĐB phải tiếp xúc với dân nhiều hơn nữa. Nhưng được như khóa 12 thì rõ ràng là các ĐBQH đã mạnh dạn và thẳng thắn hơn mỗi khi chất vấn, đó là điều đáng mừng", ông Đinh Bình Giã, ĐBQH khóa 8 chia sẻ.
Không có nhiều thời gian để hàn huyên và đóng góp ý kiến cho các ĐB khóa mới, nhưng thông điệp được chia sẻ nhiều nhất trên diễn đàn và ngoài hành lang, đó là mong Quốc hội gần dân, thẳng thắn và dân chủ hơn nữa.
-
Lê Nhung