Món nợ của dân
Dàn trải, kém hiệu quả là thực tế mà các đại biểu đều quan ngại khi bàn về việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua.
Không phủ nhận những đóng góp của vốn trái phiếu, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân, TP.HCM cho rằng, kết quả đạt được “rất khiêm tốn so với số vốn đã đầu tư”.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) |
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và ĐB Trần Hoàng Ngân chia sẻ mối lo chung khi quy mô và tổng mức đầu tư tăng cao. Tổng vốn đầu tư dự kiến đầu năm 2003 là 63.064 tỷ đồng, đến năm 2011 đã lên đến 641.770 tỷ đồng.
ĐB Ngân dẫn lại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, việc đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn, trái phiếu Chính phủ còn nhiều hạn chế. Công tác lập dự án, thẩm định dự án, phê duyệt dự án nhiều sai sót. Xác định dự toán sơ sài thiếu chính xác. Tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm.
Việc phân bổ do kế hoạch chưa sát với thực tiễn, một số công trình dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư song vẫn đưa vào danh mục bố trí vốn. Việc giải quyết vốn cho các bộ, ngành, địa phương tự quyết định điều chỉnh quy mô vốn đầu tư nhưng thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều sai sót.
ĐB Ngân phân tích rõ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là đầu tư theo dự án nhưng các tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí cụ thể và chưa minh bạch và chúng ta cũng chưa chú trọng đến đánh giá các dự án sau khi đi vào hoạt động. Hơn nữa, ta lại chưa có cơ chế xác định trách nhiệm người lập dự án, người thẩm định, phê duyệt, người triển khai, tổ chức nghiệm thu dự án và một số dự án nghiệm thu liên hoan xong thì bắt đầu có vấn đề.
“Dù xử lý như thế nào, cắt giảm hoặc đình hoãn như thế nào cũng gây ra những thất thoát, lãng phí đối với việc đầu tư”, ĐB Tâm nhận xét.
“Từ đầu chương trình cho đến cuối giai đoạn, tổng mức đầu tư đã tăng lên đến 10 lần, vượt khả năng cân đối của ngân sách, làm tăng rủi ro về tài chính của quốc gia khi đẩy mức nợ công tăng nhanh và cao, tác động tiêu cực tới những ổn định kinh tế vĩ mô”, vị đại biểu tỉnh Tây Ninh tâm tư.
ĐB Ngân thì nhấn mạnh “đây là một gánh nặng của ngân sách nhà nước”.
ĐB Tâm yêu cầu phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những người có thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng liên tục điều chỉnh quy mô dự án.
“Không thể đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan mà không thấy được trách nhiệm chủ quan để mọi thiệt hại đều đổ cho dân gánh chịu”.
Theo ông Tâm, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xác định các giải pháp thực hiện tốt hơn chương trình trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới. Đồng thời báo cáo rõ với cử tri vì đây là những món nợ người dân phải trả trong thời gian tới.
Đại biểu đòi thêm thông tin
Bàn về việc phát hành trái phiếu Chính phủ thời gian tới, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) băn khoăn, theo tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 bố trí 225.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, chỉ được khoảng gần một nửa so với nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án còn dở dang.
Chỉ riêng năm 2011 Chính phủ mới phát hành 45.000 tỷ đồng nhưng đã bố trí vốn cho gần 2.500 dự án, tiểu dự án và cũng mới chỉ bố trí đủ vốn cho 142 dự án hoàn thành, còn trên 2.000 dự án, tiểu dự án còn lại đang đầu tư dở dang và phải cần tới 3.360 tỷ đồng chưa kể yếu tố trượt giá mới có thể hoàn thành trong giai đoạn tới.
ĐB Thanh cho rằng số vốn trái phiếu này chỉ nên là chỉ tiêu định hướng. Có đại biểu lại cho rằng, con số 225 nghìn tỉ nên là con số tối đa, còn tùy việc rà soát, sẽ có điều chỉnh.
Các đại biểu đề nghị xây dựng tiêu chí, nguyên tắc trên cơ sở đó để phân bổ nguồn lực hợp lý, công bằng, công khai, minh bạch cho chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm tới.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Ngân chất vấn: “Năm nay dự kiến bội chi trên 111.000 tỷ đồng, trong đó chúng ta vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước, riêng vay vốn trong nước là 83.500 tỷ đồng cộng với phát hành trái phiếu 45.000 tỷ đồng tức là trên 128.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này chúng ta sẽ phát hành ở đâu? Ai là người mua trái phiếu Chính phủ?”.
“Tôi đề nghị Chính phủ có thể cho chúng tôi được biết hiện nay đã phát hành bao nhiêu trái phiếu, trong đó trái phiếu để thực hiện các dự án và đặc biệt hơn là trái phiếu để bù đắp bội chi ngân sách?”.
ĐB Ngân cũng yêu cầu Chính phủ cung cấp thông tin bao nhiêu dự án đã hoàn thành cho đến nay mà chưa bố trí đủ vốn, những dự án nào cấp bách cần thiết phải hoàn thành trong năm 2012 cũng như năm 2013.
Bởi theo đại biểu, việc phát hành trái phiếu là hình thức gián tiếp để tăng cung tiền mà tăng cung tiền tức là tăng lạm phát. “Nếu thực sự cần thiết và cấp bách chúng ta phải phát hành trái phiếu thích hợp để dễ đi vào cuộc sống, chống đầu tư dàn trải gây lãng phí, tổn thất cho nguồn vốn ngân sách nhà nước”.
Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng