Phí bảo trì đường bộ thu sau gần 1 năm (1/1-18/12) đối với ô tô trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 5.400 tỷ đồng, vượt 1.400 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu của Bộ Giao thông vận tải.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường trọng điểm, liên tỉnh vừa đi vào hoạt động đã xuống cấp, không được sửa chữa. Từ ngày 1/1/2014 tới đây, phí đường bộ tiếp tục tăng 2,5 lần.

Theo Cục Đăng kiểm, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện ô tô và xe cơ giới.

Ước tính cả năm 2013, phí bảo trì đường bộ với ô tô trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ đã thực hiện vượt con số 1.400 tỷ đồng.

Trước đó, việc triển khai thu phí đường bộ được Bộ GTVT thống nhất thu tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó mức thu với xe ô tô cá nhân từ 1,8 triệu đồng/năm trở lên. Các phương tiện xe tải thu theo tải trọng từng phương tiện.

{keywords}

Phí bảo trì đường bộ đã thu được 5.200 tỷ đồng, so với kế hoạch dự kiến ban đầu sẽ vượt 1.400 tỷ đồng.

Hiện nay, Cục Đăng kiểm đang triển khai 7 đoàn công tác tới các Trung tâm đăng kiểm để đánh giá công tác thu phí, rút ngắn thời gian cho các chủ phương tiện.

Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2014, xe ô tô, phương tiện cơ giới không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên có khá nhiều chủ phương tiện đang lưu hành tỏ ra băn khoăn vì xe của họ chưa đến thời hạn đăng kiểm cũng như mua phí bảo trì đường bộ thì liệu có bị xử phạt kể từ ngày 1/1/2014.

Trong số tiền thu được từ Quỹ Bảo trì đường bộ dự kiến trong năm nay sẽ xuất chi 4.100 tỷ đồng (gần 1.200 tỷ đồng để bảo trì thường xuyên 102 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 18 ngàn km và chi trên 2.664 tỷ đồng để sửa chữa định kỳ 904 dự án).

Trong khi đó, hàng loạt công trình giao thông như Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường vành đai 3 hoặc mặt cầu Thăng Long vừa sửa chữa, sau khi đưa vào khai thác đã xuất hiện hiện tượng lún, bị xuống cấp, phá vỡ kết cấu mặt đường…

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún đường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong những năm vừa qua, xe vượt tải rất lớn, có xe vượt gấp 2 lần so với tải trọng thiết kế. Đây là nguyên nhân cơ bản trực tiếp nhất dẫn đến phá hoại mặt đường và hiện tượng lún vệt bánh xe.

Nguyên nhân thứ 2 được chỉ ra là do chưa sản xuất được nhựa đường, đang phải nhập khẩu 100% từ nhiều nguồn khác nhau nên chưa kiểm soát được việc này một cách toàn diện.

Tăng phí đường bộ 2,5 lần

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

{keywords}

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không những hằn lún trên phần đường mà còn hằn lún cả trên mặt cầu

Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Đối với các dự án đầu tư khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính (đối với đường quốc lộ) hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương).

Theo đó, mức phí đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 - 52.000 đồng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 - 70.000 đồng; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng Container 20 fit là 40.000 - 140.000; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit từ 80.000 - 200.000 đồng.

Mức thu phí đối với các phương tiện sẽ bắt đầu tăng kể từ 01/01/2014.

Cũng theo Thông tư của Bộ Tài chính, lộ trình áp dụng mức phí này là: Năm 2014, áp dụng mức thu tối đa không quá 2,5 lần. Năm 2015 áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần.

Trả lời báo chí, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội liệt kê ra hàng loạt những loại phí vừa qua người dân phải chịu, như phí đăng kiểm, phí đỗ xe cũng tăng, cảm tưởng người dân chịu đựng quá nhiều loại phí.

Nên chăng Nhà nước phải bàn với các nhà đầu tư lùi lại cho dân dễ thở, đỡ bức xúc. Mặc dù, bản thân các doanh nghiệp vận tải hiểu rõ, việc tăng phí này cũng chỉ vì muốn hoàn vốn nhanh cho các nhà đầu tư, nhưng không nên tăng liền nhau.

"Nếu chịu tăng phí thì chúng tôi tăng giá vé lên, bởi vì phí cầu đường tăng cao", ông Liên cảnh báo.

(Theo Đất Việt)