Trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ tại cuộc họp thường trực về Dự án Luật BHXH sửa đổi mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng 2 phương án để trình Chính phủ về việc rút BHXH một lần.
Phương án thứ nhất, quy định việc rút BHXH một lần sẽ giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (trước 1/1/2025) sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia thì được rút một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia sau ngày Luật sửa đổi có hiệu lực không được rút BHXH một lần (trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá phương án này mang tính bền vững cho an sinh, không ảnh hưởng tới người đang tham gia BHXH nên sẽ ít gặp phản ứng. Những năm đầu có thể không giảm được lượng người rút BHXH một lần, nhưng từ năm 2030 trở đi có thể giảm một nửa.
Phương án thứ hai, sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương án này hài hòa quyền lợi người tham gia với chính sách an sinh lâu dài, tránh gây phản ứng không tốt. Số người hưởng có thể không giảm nhiều nhưng vẫn giữ chân được lao động ở lại lưới an sinh. Nếu sau này họ tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối thời gian đóng để hưởng quyền lợi. Song Bộ LĐ-TB&XH lo ngại phương án này sẽ dẫn tới tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần để “chạy luật” trước khi luật có hiệu lực thi hành.
Nên hạn chế rút BHXH một lần
Trao đổi với PV VietNamNet, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần.
Tuy nhiên, do hiện nay người lao động đang rất khó khăn, chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Theo bà Hương, cơ quan BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.
“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Do vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu.
Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp”, bà Hương nói.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tại nhiều nước đã có quy định hạn chế rút BHXH một lần. Người lao động có thể do nhu cầu trước mắt cần rút một cục, nhưng đến khi hết tuổi lao động sẽ khó có nguồn để sinh sống.
Do vậy, theo ông Huân, nên tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014, không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tín dụng để hỗ trợ cho lao động vay với lãi suất ưu đãi khi gặp khó khăn, ổn định tìm việc làm mới. Từ đó, người lao động sẽ có thêm cơ hội tìm việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH cho đến khi hết tuổi lao động, hướng tới hưởng lương hưu.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2016-2022 cả nước có gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại.